+Aa-
    Zalo

    Hôm nay (5/9), hơn 20 triệu học sinh trên cả nước hân hoan bước vào năm học mới

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Hôm nay (5/9), hơn 20 triệu học sinh trên cả nước hân hoan bước vào năm học mới 2019 - 2020.

    Hôm nay (5/9), hơn 20 triệu học sinh trên cả nước hân hoan bước vào năm học mới 2019 - 2020. Trong năm học này, ngành giáo dục tiếp tục đưa ra 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản đã đề ra.

    Các trường học trên cả nước đồng loạt khai giảng trong sáng 5/9. Ảnh minh họa

    Sáng 5/9, học sinh cả nước dự lễ khai giảng năm học mới. Năm nay, số lượng học sinh mầm non là hơn 5,5 triệu em, tiểu học gần 8,7 triệu, THCS hơn 5,5 triệu và THPT gần 2,6 triệu học sinh.Cả nước có hơn 1,5 triệu sinh viên hệ chính quy.

    Ở một số nơi như Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Trị, hàng trăm trường có thể hoãn khai giảng do tình hình mưa lũ. Nhìn chung, các sở giáo dục đều yêu cầu trường học trên địa bàn tổ chức lễ khai giảng đơn giản, ngắn gọn, nội dung hướng tới học sinh.

    Riêng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tổ chức khai giảng dưới hình thức “Ngày hội đến trường của bé” một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ. Lưu ý không đọc báo cáo về tình hình hoạt động của nhà trường, bảo đảm sức khỏe của học sinh và bảo vệ môi trường.

    Theo báo Dân trí, là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, năm học này Thủ đô có 2.746 trường học các cấp với gần 3 triệu học sinh, tăng 40.000 học sinh so với năm học trước. 

    Trước thềm năm học mới, TP đã xây dựng 67 trường học (34 trường thành lập mới) với tổng kinh phí khoảng 3.900 tỷ đồng. Bên cạnh đó, toàn thành phố đã cải tạo 407 trường học các cấp với tổng số tiền 5.200 tỷ đồng; mua sắm các trang thiết bị chuẩn bị cho năm học với tổng số tiền hơn 745 tỷ đồng.

    Trong Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức, đơn vị này đã đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp căn bản, trong đó vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn y tế trường học được chú trọng.

    Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu các trường nghiêm túc rà soát, bổ sung các khâu quản lý cần thiết nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh, nhất là việc đưa đón trẻ đến trường.

    Đặc biệt, năm nay, sau thư gửi các trường học của nữ sinh Nguyễn Nguyệt Linh ở Hà Nội, nhiều trường không thả bóng bay vào ngày khai giảng mà thay bằng các hoạt động khác như thả bồ câu, ghi ước mơ lên giấy màu và dán trong phòng học.

    Theo báo An ninh Thủ đô, chia sẻ với báo chí trước thềm năm học mới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Năm học 2019-2020, ngành giáo dục tiếp tục thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản đã đề ra. Trong đó, cùng với các nhiệm vụ thường xuyên như đảm bảo cơ sở vật chất, đảm bảo số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, một trong những nhiệm vụ mà ngành giáo dục đặc biệt ưu tiên trong năm học 2019-2020 là tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.

    Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, để “tiên học lễ, hậu học văn" không chỉ là khẩu hiệu suông, để hoạt động "dạy người" trong nhà trường có chuyển biến thiết thực, rất cần sự nêu gương của đội ngũ thầy cô. Trong đó, vai trò của các hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên tư vấn tâm lý, cán bộ Đoàn, Hội, Đội có vị trí then chốt.

    Cùng với đó, Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo việc đổi mới phương pháp đánh giá đạo đức, khen thưởng, kỷ luật đối với học sinh theo hướng thuyết phục, thực chất và cụ thể hơn; yêu cầu đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và nhà giáo trên cả nước chú trọng thực hiện các nhiệm vụ để tạo ra môi trường làm việc, học tập lành mạnh, cùng nhau lan tỏa và nêu gương những điều tốt đẹp, những tấm gương nhà giáo mẫu mực, tâm huyết và sáng tạo. 

    Đặc biệt, sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và tổ chức đánh giá tổng kết thực hiện mô hình "Trường học hạnh phúc" để từng bước nhân rộng ra các nhà trường phổ thông. Tuy vậy, người đứng đầu ngành giáo dục cũng cho rằng: Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ nêu trên, bên cạnh sự nỗ lực của ngành giáo dục, rất cần sự chung tay của gia đình và xã hội. Trong đó, với học sinh, cha mẹ có vai trò như là "thầy cô" lúc ở nhà vậy. Còn xã hội chính là môi trường sống hằng ngày của học sinh...

    Mộc Miên(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hom-nay-59-hon-20-trieu-hoc-sinh-tren-ca-nuoc-han-hoan-buoc-vao-nam-hoc-moi-a291561.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan