+Aa-
    Zalo

    Lao động nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục đi làm có bị cắt lương hưu không?

    (ĐS&PL) - Nhiều lao động đã đến tuổi nghỉ hưu và mặc dù đã hoàn tất các thủ tục để hưởng lương hưu nhưng vẫn tiếp tục đi làm thêm các công việc khác. Trước thực trạng này, nhiều người thắc mắc liệu rằng, nếu tiếp tục đi làm thì có bị cắt lương hưu hoặc các khoản trợ cấp hay không?

    Căn cứ vào khoản 1 Điều 148 Bộ luật Lao động năm 2019 thì người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật này.

    Theo đó, tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019 thì tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.

    Theo khoản 2 Điều 149 Bộ luật Lao động 2019, người lao động cao tuổi đang hưởng lương hưu mà làm việc theo hợp đồng lao động mới thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi được hưởng tiền lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, hợp đồng lao động.

    lao dong nghi huu nhung van tiep tuc di lam co bi cat luong huu
    Người lớn tuổi được khuyến khích tiếp tục làm việc để nâng cao nguồn nhân lực. Ảnh minh họa.

    Như vậy, người đã nghỉ hưu nhưng vẫn đi làm thêm sẽ không bị cắt lương hưu. Hằng tháng, người lao động ngoài nhận được tiền lương do người sử dụng lao động chi trả thì vẫn được cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) thanh toán đủ lương hưu và các chế độ hưu trí khác theo lịch chi trả cố định.

    Thực tế, việc người lao động đã nghỉ hưu tiếp tục làm việc không hề hiếm gặp. Pháp luật cho phép sử dụng lao động cao tuổi để làm việc nhưng cũng yêu cầu người sử dụng lao động có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khỏe của người lao động cao tuổi tại nơi làm việc. 

    Theo Điều 13 Bộ luật Lao động năm 2019, nếu người sử dụng lao động và người lao động đã nghỉ hưu có thỏa thuận về việc làm có trả công cùng các điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên thì trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động đó.

    Các bên có thể ký hợp đồng lao động loại có thời hạn hoặc không xác định thời hạn. Trường hợp ký hợp đồng lao động có thời hạn, người lao động và người sử dụng có thể thỏa thuận ký nhiều lần hợp đồng xác định thời hạn.

    Do đó, tùy vào nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp mà người sử dụng lao động có thể lựa chọn ký loại hợp đồng lao động phù hợp.

    Với những người lao động đã nghỉ hưu và hưởng lương hưu hằng tháng, do tình trạng sức khỏe có nhiều hạn chế, cộng thêm thời gian gắn bó không dài nên phương án tối ưu khi ký hợp đồng lao động với những người này là ký hợp đồng lao động có thời hạn. Hết hạn hợp đồng mà hai bên vẫn còn nhu cầu thì ký tiếp hợp đồng lao động mới.

    Nhà nước hoàn toàn khuyến khích việc sử dụng người lao động cao tuổi làm việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm quyền lao động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.

    Trên thực tế, người lao động cao tuổi cũng đưa ra thắc mắc về việc đóng bảo hiểm khi tiếp tục đi làm dù đã nghỉ hưu thì theo khoản 9 Điều 123 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người đã nghỉ hưu đi làm không phải đóng bảo hiểm xã hội bởi người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng mà đang giao kết hợp đồng lao động thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

    Cùng với việc không phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, hằng tháng, người lao động còn được người sử dụng lao động chi trả thêm một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động cho người lao động theo quy định.

    Trong khi đó, theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, hằng tháng, người sử dụng lao động phải đóng 14% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí tử tuất; 3% vào quỹ ốm đau thai sản; 0,5% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 3% vào quỹ bảo hiểm y tế.

    Như vậy, mỗi tháng, người lao động đã nghỉ hưu đi làm sẽ được trả thêm 21,5% tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.

    Bảo An(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lao-dong-nghi-huu-nhung-van-tiep-tuc-di-lam-co-bi-cat-luong-huu-a596703.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Trường hợp nào được tăng lương hưu sau cải cách tiền lương năm 2024?

    Trường hợp nào được tăng lương hưu sau cải cách tiền lương năm 2024?

    Nếu việc cải cách chính sách tiền lương được thông qua và thực hiện từ 1/7/2024, mức lương của người nhiều đối tượng lao động sẽ có sự thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, liệu chính sách này sẽ tác động đến người hưởng lương hưu như thế nào? Trường hợp nào lương hưu sẽ được tăng?