+Aa-
    Zalo

    Luật sư Nguyễn Thị Kiều Trang - Tri thức là sức mạnh

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Phía sau một nền Tư Pháp tiên tiến là sự hiện diện của đội ngũ Luật sư chuyên nghiệp. Đấu tranh là động lực cho sự phát triển. Chỉ khi đạt tới sự cân bằng quyền lực giữa bên buộc tội và bên gỡ tội thì công lý mới được thực thi. Nguyễn Thị Kiều Trang là một nữ Luật sư trẻ của mảnh đất Thủ Đô, mang trong mình tình yêu nghề Luật, cùng trách nhiệm chứng minh sự tồn tại của công lý.

    81

    Sinh ra từ gian khó

    Luật sư Nguyễn Thị Kiều Trang, sinh ngày 02/9/1994, trong một gia đình thuần nông tại tỉnh Tuyên Quang. Gia đình có ba anh chị em, Trang là con thứ hai trong nhà. Trang tâm sự: “Bố phải bán con trâu duy nhất của gia đình mới đủ tiền cho mình nhập học đại học. Tuy khó khăn nhưng bố mẹ đã lo cho cả ba chị em được học hành đầy đủ, không thiếu thốn so với bạn bè cùng trang lứa, mình luôn biết ơn và tự hào về gia đình của mình”.

    Không phụ sự kỳ vọng của cha mẹ, năm 2016, Trang tốt nghiệp cử nhân Khoa Luật của Trường Đại học Công Đoàn loại giỏi. Trang chia sẻ: “Những năm đầu đại học, do có nhiều thời gian trống nên ngoài việc học trên lớp vào mỗi buổi sáng, mình thường lẻn vào các lớp học khác vào buổi chiều và buổi tối để nghe giảng thêm, chính bởi vậy mà mình vững kiến thức. Đến những năm cuối, mình đi tập sự không lương cho một Văn phòng Luật sư, nhờ đó mà mình có trải nghiệm thực tiễn để hành nghề sau này”. Năm 2020, Trang tiếp tục tốt nghiệp chương trình đào tạo Thạc sĩ khoa lý luận của Trường Đại học Luật Hà Nội với điểm giỏi. Hiện tại, Trang đang là Luật sư thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội. 

    82

    Trưởng thành qua công việc

    Ngày còn là sinh viên, Trang đã theo các Luật sư tham gia tố tụng tại Toà án các tỉnh, có những khi phải di chuyển trên xe ô tô tới 8 giờ đồng hồ mới đến Toà, nhưng sau đó hoãn Toà lại đi chuyển về Hà Nội thêm 8 giờ nữa. Đường núi quanh co, dốc dựng thẳng đứng, ù tai vì chênh lệch áp suất, chóng mặt vì say xe, đói, mệt… là cảm xúc của những ngày đầu bước chân vào nghề. Nếu không có đam mê thì không thể theo nghề được”. Luật sư Trang tâm sự.

    Khi hành nghề, có những vụ án tại Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hoà… Cả Hội đồng xét xử, đại diện Viện kiểm sát, bị cáo đều là người miền Trung, lúc tranh luận, chỉ sợ mọi người nói nhanh là Luật sư không nghe được từ nào để đối đáp lại, riết rồi quen, giờ thì miền nào mình cũng nghe được hết, không sợ nữa”. Luật sư Trang cười kể.

    Tuy tuổi đời còn nhỏ, nhưng Luật sư Trang đã ghi dấu ấn trong rất nhiều vụ án điển hình như: Vụ buôn lậu khí cười N2O ở thành phố Hải Phòng, vụ án đã bị Cục Hải quan khởi tố trước khi mời Luật sư, sau khi Luật sư tham dự tố tụng thì vụ án được tạm đình chỉ; Vụ cố ý gây thương tích tại tỉnh Khánh Hoà, tại thời điểm mời Luật sư vụ án đã có cáo trạng, sau khi Luật sư tham dự tố tụng thì vụ án đã được đình chỉ tại Toà; Vụ tranh chấp hợp đồng kinh tế giữa Công ty cổ phần công nghệ điện lạnh Vinashin và Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc tại Toà án nhân dân thành phố Hà Nội, kết quả vụ việc, hai bên đàm phán hoà giải thành công, không cần Toà án phải đưa ra phán quyết cuối cùng… kết thúc mỗi vụ án không chỉ giúp bảo vệ tốt nhất quyền lợi hợp pháp cho khách hàng mà còn giúp Luật sư Trang trưởng thành hơn trong quá trình công tác.

    83

    Tri thức là sức mạnh

    Để trở thành một Luật sư ở Việt Nam, thông thường mỗi cá nhân phải trải qua bốn năm học cử nhân, một năm học nghiệp vụ, một năm tập sự và một năm thi kết thúc tập sự, lập hồ sơ đề nghị Bộ Tư Pháp cấp chứng chỉ, lập hồ sơ đăng ký ra nhập Đoàn Luật sư, đề nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam cấp thẻ. Mỗi người phải trải qua ít nhất bảy năm học tập chuyên nghiệp trước khi được chính thức hành nghề. Chưa kể tỷ lệ thi đậu kỳ thi kết thúc tập sự là 50%, thi trượt ba lần phải tập sự lại một năm xong mới được thi tiếp. Đây cũng là kỳ thi được đánh giá là không thể chạy bằng tiền.

    Tuy Luật sư đã được đào tạo rất bài bản trước khi chính thức cầm thẻ hành nghề, nhưng sau khi hành nghề vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đào tạo bắt buộc tối thiểu 8 giờ một năm để cập nhật kiến thức và phải hành nghề ít nhất hai năm liên tục mới đủ điều kiện đứng đầu một tổ chức hành nghề Luật sư. Việc quy định khắt khe về điều kiện hành nghề Luật sư là để đảm bảo hạn chế tối đa sai sót khi hành nghề, giúp Luật sư có đủ năng lực xử lý công việc cho khách hàng.

    Trong thực tế, khi Luật sư hành nghề vẫn bị hạn chế bởi việc tiếp cận thông tin, thu thập chứng cứ và sự thiếu hợp tác của Cơ quan tiến hành tố tụng. Do đó, để đủ năng lực hành nghề thì Luật sư phải nắm được các quy định của Pháp Luật hiện hành và phải đủ bản lĩnh buộc cán bộ, công chức thực hiện đúng các quy định trong khi thi hành công vụ cho người dân.

    Pháp Luật được Nhà nước đảm bảo thực hiện bằng quyền lực của mình. Dựa vào quyền lực nhà nước, ta có thể buộc một chủ thể phải tuân thủ theo Pháp Luật, để làm hoặc không làm điều gì đó cho mình. Pháp Luật là quy chuẩn chung định hướng cho hành động của mỗi người. Do đó, tri thức chính là sức mạnh!

    84

    Lời nhắn gửi đến các bạn trẻ

    Hãy học tập nghiêm túc và hành động chân thành, thành công sẽ theo đuổi bạn!” là câu nói mà Luật sư Trang muốn gửi tới giới trẻ. Tri thức tạo ra của cải vật chất giúp nuôi sống bạn, tri thức giúp thu hút những con người có cùng tần số xích lại gần nhau hơn, tri thức là quyền lực tạo nên sức mạnh cho chính bạn, hãy trân trọng tri thức.

    Thu Hà

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/luat-su-nguyen-thi-kieu-trang-tri-thuc-la-suc-manh-a600366.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan