+Aa-
    Zalo

    Lý do 5 huyện ngoại thành của TP.HCM chưa thể thành quận

    (ĐS&PL) - Tại cuộc họp báo thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch TPHCM chiều 5/10, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó giám đốc Sở nội vụ TPHCM cho biết, sở dĩ trong đề án sắp xếp đơn vị hành chính lại có thêm việc đưa một số huyện lên thành phố là do cả 5 huyện của thành phố chưa đủ tiêu chuẩn, tiêu chí nâng cấp thành quận.

    Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, theo đó một trong những chương trình đột phá về đổi mới quản lý của thành phố là “chuyển một số huyện thành quận giai đoạn 2021 - 2030”.

    Theo quy định điều kiện để thành lập đơn vị hành chính đô thị hoặc nâng cấp từ đơn vị hành chính nông thôn (huyện) thành đơn vị hành chính đô thị (thị xã, thành phố, quận) phải phù hợp với các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chương trình phát triển đô thị và đơn vị hành chính đó phải đạt các tiêu chí, tiêu chuẩn của loại đô thị và loại đơn vị hành chính.

    ly do 5 huyen ngoai thanh chua the thanh quan1
    Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm. Ảnh Tiền Phong.

    Tuy nhiên, qua rà soát số liệu hiện trạng tiêu chuẩn đô thị, tiêu chuẩn đơn vị hành chính của 5 huyện (Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi, Cần Giờ) thì cả 5 huyện đều chưa đủ tiêu chuẩn, tiêu chí để nâng cấp thành quận.

    “Đến nay, diện tích đất nông nghiệp của cả 5 huyện trên địa bàn còn rất lớn. Đơn cử như huyện Bình Chánh, diện tích đất nông nghiệp còn tới hơn 60%. Theo tiêu chí khi chuyển thành quận thì diện tích đất sẽ phải đô thị hóa 100%, tất cả xã, thị trấn đều chuyển thành phường. Do đó, cả 5 quận đều không đảm bảo tiêu chí chuyển đổi thành quận”Tiền Phong dẫn lời bà Thắm.

    Theo quy định đơn vị hành chính thành phố thì địa phương cần đảm bảo 70% là đô thị, 30% còn lại là nông thôn. Do đó, ngoài mục tiêu chuyển sang huyện thành quận thì các huyện tại TPHCM đang đặt mục tiêu chuyển sang mô hình thành phố trực thuộc thành phố. Tuy nhiên, hiện nay các địa phương đang xây dựng hồ sơ, khi đảm bảo các tiêu chí mới xây dựng đề án thành lập để lên thành phố.

    Ngoài ra, lãnh đạo Sở Nội vụ cũng cho biết, TP đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; lập chương trình phát triển đô thị thành phố song song với công tác lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Thành phố sẽ rà soát, đánh giá các tiêu chuẩn phân loại đô thị để xây dựng đề án công nhận loại đô thị tương ứng đối với từng thành phố dự kiến thành lập trong tương lai trên ranh giới hành chính các huyện hiện hữu.

    Trên cơ sở đáp ứng các điều kiện về sự phù hợp quy hoạch, phân loại đô thị và loại đơn vị hành chính, TPHCM sẽ xây dựng các đề án thành lập đơn vị hành chính mới, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

    Trước đó, UBND TP HCM đã chỉ ra nhiều vướng mắc để đánh giá mô hình chuyển đổi lên đơn vị hành chính quận đối với 5 huyện của TP HCM là rất khó đạt được giai đoạn từ nay đến năm 2030.

    Cụ thể, quy định bắt buộc các huyện phải đạt theo tiêu chí của đô thị loại đặc biệt, đồng thời phải có đủ 100% các xã đủ tiêu chí để chuyển đổi sang phường. Đối với quy định này sẽ khiến cả 5 huyện gặp khó khi diện tích đất nông nghiệp đang còn khá nhiều.

    Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu các đề án nhánh thuộc Đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận (hoặc thành phố) giai đoạn 2021-2030 cũng chỉ ra các huyện rất khó để hoàn thành một số tiêu chí khi muốn lên quận. Chẳng hạn, huyện Nhà Bè và Hóc Môn chưa đáp ứng diện tích tự nhiên theo quy chuẩn đô thị loại 3 (tối thiểu 150 km2), hiện chỉ đạt 100-109 km2. Nhà Bè và Cần Giờ chỉ có 7 xã, trong khi quy định tối thiểu với đô thị loại 3 là 10 xã. Huyện Cần Giờ cũng chưa đáp ứng tiêu chí dân số vì chỉ có 76.000 người trong khi quy định là 150.000 người.

    Việc vướng mắc tiêu chí lên quận cũng đồng thời với nhiệm vụ các quận phải đáp ứng được nhu cầu vốn đầu tư là rất lớn. Theo tính toán của các chuyên gia thuộc Đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận (hoặc thành phố) giai đoạn 2021-2030, lượng vốn tư nhân thu hút hàng năm theo 03 nhóm dự án kinh tế, xã hội và môi trường mỗi địa phương từ nay đến 2030 lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

    Do vướng nhiều tiêu chí để phát triển lên quận, cả 5 huyện của TP HCM đều nghiêng về mô hình thành phố thuộc thành phố. Phương án này cũng đáp ứng mục tiêu chuyển các đơn vị hành chính huyện thành đơn vị hành chính cấp đô thị nhưng vẫn giữ lại một số khu vực nông nghiệp ngoại thành của đơn vị hành chính mới trực thuộc.

    ly do 5 huyen ngoai thanh chua the thanh quan2
    Huyện Nhà Bè từ trên cao. Ảnh: Vnexpress.

    Theo báo cáo 3 năm triển khai thực hiện đề án chuyển một số huyện thành quận hoặc thành phố trực thuộc TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030, huyện Bình Chánh đang phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại III và làm thủ tục đề nghị công nhận thành phố thuộc TP HCM vào năm 2025.

    Đối với một số huyện còn lại do đang thiếu tiêu chí dài hạn, các đơn vị sẽ lập đề án đề xuất có thể tính đến phương án về khả năng sáp nhập các huyện liền kề có tiêu chí chưa đạt để bổ trợ hoàn thiện lẫn nhau.

    Để có khung pháp lý xây dựng, phát triển các huyện thành quận hoặc thành phố, UBND TPHCM cũng đã và đang phân công từng Sở ngành thực hiện 5 đề án nhánh, gồm: kinh tế đô thị, văn hóa đô thị, hạ tầng đô thị, con người đô thị, quản lý nhà nước.

    Riêng giai đoạn 2023 - 2025, UBND TP HCM tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các Sở ngành và UBND 5 huyện có liên quan đẩy nhanh hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố thuộc TP HCM.

    Sau đó, UBND TP HCM sẽ tổ chức triển khai thực hiện đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố thuộc TP HCM giai đoạn 2021 – 2030, thông tin trên báo Đại đoàn kết.

    Thùy Dung (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ly-do-5-huyen-ngoai-thanh-cua-tphcm-chua-the-thanh-quan-a594024.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM: “Không có chuyện quỹ lớp, quỹ trường, hiệu trưởng không thể nói không biết

    Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM: “Không có chuyện quỹ lớp, quỹ trường, hiệu trưởng không thể nói không biết"

    Tại Hội nghị giao ban cấp tiểu học, THCS của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TPHCM ngày 4/10, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT - nhấn mạnh trách nhiệm của hiệu trưởng trong lạm thu và yêu cầu không được thu quỹ lớp, quỹ trường, tất cả đưa lên hệ thống quản lý để Sở giám sát.