+Aa-
    Zalo

    Mối tình đẹp giữa cô nàng khiếm thị và chàng sinh viên âm nhạc

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- Gia đình Thanh nhất quyết không muốn có đứa con dâu mù lòa bởi Thanh là con trai duy nhất, là trưởng tộc trong họ. Nếu Thanh không từ bỏ thì mọi người cũng đành từ bỏ anh.

    (ĐSPL)- Say mê tài ca hát và cảm phục nghị lực sống của cô nàng khiếm thị, anh chàng sinh viên Học viện âm nhạc yêu cô lúc nào không hay. Tình yêu chân thành đã giúp họ vượt qua mọi định kiến của xã hội và sự phản đối kịch liệt từ hai phía gia đình để đến với nhau.
    Cuộc hôn nhân giữa chàng trai lành lặn xứ Thanh và cô gái khiếm thị xứ Nghệ đã khiến cho nhiều người cảm phục và là một minh chứng cho thấy tình yêu không bao giờ có ranh giới. Đó là câu chuyện tình của đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Thị Đào (SN 1992) và Nguyễn Nhật Thanh, trú tại xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An.
    Số phận nghiệt ngã và giọng ca vàng
    Chúng tôi về xã Tường Sơn để tìm gặp vợ chồng Nguyễn Thị Đào và Nguyễn Nhật Thanh, hai nhân vật chính trong câu chuyện tình cổ tích này.
    Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ, hai vợ chồng kể lại mối tình của mình với niềm hạnh phúc tràn đầy.
    Nguyễn Thị Đào sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh chị em ở huyện miền núi Anh Sơn. Từ khi cất tiếng khóc chào đời, Đào đã không thể nhìn thấy ánh sáng. Cuộc sống của Đào là những chuỗi ngày mù mịt tăm tối. Đào luôn khao khát được đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa khác. Vì lẽ đó nên, thương con, hàng ngày bố mẹ đưa đón Đào đi học. Suốt thời tiểu học, Đào theo học chương trình chữ nổi do hội Người mù huyện và tỉnh tổ chức. Lên cấp hai, Đào theo học trường làng và nhờ các bạn ở trong xóm dẫn tới lớp. Vốn ham học và nhờ sự chỉ bảo của thầy cô, sự giúp đỡ của bạn bè, Đào cũng đã theo kịp được các bạn và vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THCS.
    Hoàn cảnh gia đình Đào bấy giờ rất khó khăn, bố mẹ ốm đau liên miên, mấy anh chị phải nghỉ học để phụ giúp bố mẹ. Nghĩ đến thân phận của mình và thương bố mẹ, Đào đã quyết định nghỉ học.
    Số phận đã không cho Đào đôi mắt sáng để nhìn đời nhưng bù lại đã ban cho cô thanh âm mượt mà, trong trẻo. Nghe tiếng hát của Đào, người ta như hiểu thấu được nỗi lòng của cô nàng khiếm thị đa sầu, đa cảm. Giọng ca của Đào khi tràn ngập yêu đương, khi giận hờn buồn tủi, khi lại là nỗi cô đơn. Tiếng hát ấy đã làm lay động mọi người. Cô thường xuyên tham gia hát tại các buổi sinh hoạt đoàn của xã tổ chức. Trong một lần giao lưu nghệ thuật ở huyện, Đào đã lọt vào "mắt xanh" của NSND Tường Vi, Giám đốc trung tâm Nghệ thuật Tình thương.
    Nhớ lại sự giúp đỡ của người đã làm thay đổi số phận mình, Đào đã rơi nước mắt. "Đó là người đã làm thay đổi số phận của em. Trong một lần giao lưu văn nghệ tại xã, nghe người dân nói về tài năng ca hát của em, bác Tường Vi đã đích thân mời em cùng tham gia chương trình. Với hai ca khúc, giọng hát của em đã được mọi người ghi nhận. Sau buổi biểu diễn đó, em được Giám đốc Tường Vi cho gia nhập vào đội Nghệ thuật Tình thương, được ra Hà Nội để tập luyện tại Trung tâm. Em không nghĩ mình lại là người may mắn đến như vậy".
    Được học tập trong một môi trường âm nhạc chuyên nghiệp, được tiếp xúc với những người bạn có cùng đam mê, sở thích, Đào tìm được nguồn động viên, sẻ chia trong cuộc sống. Những lần giao lưu âm nhạc với các ca sỹ chuyên nghiệp hay các bạn sinh viên nhạc viện Quốc gia đã để lại trong Đào những kỷ niệm đáng nhớ trong chặng đường theo đuổi nghiệp ca hát của mình. Thế rồi, Đào tình cờ quen anh chàng sinh viên có giọng hát rất ấm áp ở Hà Nội.
    Đó là Nguyễn Nhật Thanh, chàng trai xứ Thanh sinh năm 1988, là sinh viên nhạc viện Quốc gia Hà Nội. 
    Vốn là một chàng trai có tiếng hát triển vọng, Thanh đã nhiều lần được nhà trường chọn đi thi và giao lưu ở khắp nơi. 
    Trong một lần học viện âm nhạc giao lưu văn nghệ với trung tâm Nghệ thuật Tình thương, Thanh và Đào đã được chọn song ca bài "Hương tóc mạ non". Mặc dù mới tập với nhau có vài lần nhưng sự phối hợp nhịp nhàng trong từng tiết tấu, giai điệu bài hát đã đi vào lòng khán giả. Kết thúc màn biểu diễn, hai người nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ khán giả và ban tổ chức.
    Sau buổi giao lưu đó, Thanh và Đào vẫn thường xuyên liên lạc với nhau.  Với thành tích học tập và rèn luyện tốt, Đào được NSND Tường Vi gửi sang học tại học viện âm nhạc. Từ đấy, hai người lại càng có cơ hội để gặp nhau và chia sẻ cùng nhau nhiều hơn.
    Mối tình đẹp giữa cô nàng khiếm thị và chàng sinh viên HV Âm Nhạc
    Vợ chồng Thanh - Đào mưu sinh bằng nghề hát rong.
    Mối lương duyên trời định
    Khi khóa học kết thúc, Thanh về quê Thanh Hóa tìm việc làm, còn Đào được giữ lại tham gia hoạt động tại trung tâm Nghệ thuật Tình thương. Mặc dù xa nhau nhưng tình yêu của hai người vẫn sâu đậm.  Năm 2013, nhận thấy không thể sống thiếu nhau, hai người đã quyết định cùng nhau xây tổ ấm.
    Đào tâm sự: "Để đến được với nhau, chúng em đã phải nỗ lực rất nhiều. Mối tình đó đã phải chịu sự gièm pha của dư luận và đặc biệt là  áp lực từ phía gia đình. Cả em và anh Thanh  đã phải tốn rất nhiều thời gian để làm công tác tư tưởng cho hai bên gia đình. Không những gia đình anh Thanh phản đối mà gia đình em cũng không đồng ý cho cuộc hôn nhân khập khiễng này. Bố mẹ em không muốn gả con gái cho anh Thanh vì nghĩ với một chàng trai lành lặn như anh Thanh có thể bỏ rơi con gái mình bất cứ lúc nào. Bố mẹ em sợ tình yêu của anh Thanh dành cho em chỉ là nhất thời".
    Còn đối với gia đình Thanh thì nhất quyết không muốn có đứa con dâu mù lòa bởi Thanh là con trai duy nhất, là tộc trưởng của một dòng họ. Nếu Thanh không từ bỏ thì mọi người cũng đành từ bỏ anh. Nhưng vì tình yêu Thanh đã bất chấp tất cả để cưới Đào về làm vợ. Thanh cho rằng đó là mối duyên trời định, anh sinh ra là để che chở cho số phận kém may mắn của Đào.
    Ngày cưới của hai người chỉ có những người bạn thân thiết và người ái mộ giọng hát của họ. Gia đình nội kiên quyết từ mặt đứa con trai duy nhất khi anh quyết định lấy Đào làm vợ. Nhưng tình yêu là động lực để giúp họ vượt qua mọi trở ngại, khó khăn. Niềm vui được nhân lên khi bé gái đầu lòng ra đời với cái tên Nguyễn Thị Sao Mai như nhắc nhở về kỷ niệm tình yêu của những người đam mê ca hát và gửi gắm vào đó một tương lai tươi sáng. Giờ đây, gia đình Đào đã mở rộng vòng tay đón nhận thành viên mới.
    Khi lấy nhau về, cuộc sống của hai vợ chồng hết sức khó khăn. Vào Nghệ An sinh sống, hai vợ chồng Thanh không có công việc làm ổn định và phải nhờ sự giúp đỡ của gia đình nhà ngoại. Họ đã phải lăn lộn mưu sinh bằng nghề hát rong trong các buổi chợ phiên. Với chiếc xe máy cũ và bộ loa máy, ngày qua ngày hai vợ chồng rong ruổi trên những tuyến đường từ Đô Lương, Anh Sơn lên Con Cuông vào các khu chợ hát rong kiếm tiền. Giọng hát trong trẻo, nồng ấm đã khiến nhiều người say mê, thích thú. Bởi đó là tiếng vọng của hai trái tim thiết tha yêu đời, cho dù cuộc đời họ kém may mắn.
    Mối tình đẹp giữa cô nàng khiếm thị và chàng sinh viên HV Âm Nhạc
    Niềm hạnh phúc khi được làm mẹ của Đào.
    Ngoài hát rong, họ còn nhận bán tăm tình thương cho các trung tâm nhân đạo nhằm chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh, những hoàn cảnh khó khăn. Công việc đã giúp họ tìm được niềm vui, sống yêu đời và trên hết là có thu nhập để lo cho cuộc sống gia đình. "Thế nhưng, có những hôm đi hát về, cổ khản đặc. Những hôm chợ vãn chẳng ai buồn nghe. Những mùa giá rét, những khi hè về mồ hôi đầm đìa, mệt nhoài. Nghề hát rong gian truân và cần sự chịu đựng lắm...", anh Thanh chia sẻ.
    Dẫu biết rằng phía trước đôi vợ chồng trẻ còn muôn vàn khó khăn nhưng với tình yêu và nghị lực sống, chúng tôi tin rằng họ sẽ vượt qua tất cả. Họ đang cố gắng tích góp vốn để mở quán kinh doanh hàng tạp hóa và băng đĩa. Bên cạnh đó, hai vợ chồng Đào cũng luôn ấp ủ mơ ước được trực tiếp vào phòng thu những ca khúc hát về quê hương, đất nước...                                                                                            
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/moi-tinh-dep-giua-co-nang-khiem-thi-va-chang-sinh-vien-am-nhac-a37077.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    10 tuổi đã phải chăm mẹ tâm thần, cha mù lòa

    10 tuổi đã phải chăm mẹ tâm thần, cha mù lòa

    (ĐSPL) - Hằng ngày, bé Hương phải vào rừng hái măng mang xuống chợ bán kiếm tiền nuôi bố mẹ. Mỗi khi nhà hết gạo, em và mọi người trong gia đình phải nhờ vào sự hỗ trợ của họ hàng, làng xóm.