+Aa-
    Zalo

    Mưa lũ tại Quảng Ninh:Bài học lịch sử và câu hỏi về tầm nhìn chiến lược

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- Hiện đồng bào cả nước đang chung tay giúp bà con vùng than vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, từ câu chuyện này, nhiều bài học lịch sử cũng được rút ra.

    (ĐSPL)- Từ đầu năm đến nay, diễn biến bất thường của thời tiết đã khiến không ít người ái ngại. Tính cực đoan của thời tiết thể hiện rõ như đầu năm đã có rét đậm ở Sa Pa, tháng Năm nóng kỷ lục ở Bắc Bộ.

    Và như một quy luật bất khả kháng, cơn thịnh nộ của thiên nhiên đã giáng xuống Quảng Ninh với mức kỷ lục khi lượng nước mưa có nơi xấp xỉ 1.000mm, cao gấp đôi số liệu từng được ghi nhận năm 1986. Thiên tai có nhiều lý do, trong đó việc  phá rừng, nhất là rừng đầu nguồn đã làm giảm khả năng giữ nước. Đồng thời, nó còn làm tăng khả năng trượt lở đất.

    Quảng Ninh là vùng khai thác than lớn, lâu đời, nên đã hình thành những bãi xỉ khổng lồ như những quả núi. Các nhà khoa học cho rằng, kết cấu của những “quả đồi” không ổn định, vững chắc, nên khi có mưa to, lượng nước lớn nó đã biến thành những “quả bom xỉ than” tràn xuống chẳng khác gì dòng nước đặc. Hiện đồng bào cả nước đang chung tay giúp bà con vùng than vượt qua khó khăn với tấm lòng tương thân, tương ái ngàn đời. Bên cạnh đó, từ câu chuyện này, nhiều bài học lịch sử cũng được rút ra…

    Những con số đau lòng

    Như chúng tôi đã phản ánh, trong những ngày vừa qua, từ 26/7/2015 đến 4/8, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra mưa lũ lớn kéo dài trên diện rộng, tập trung lớn tại Hạ Long và Cẩm Phả, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân Quảng Ninh. Đây được đánh giá là thảm họa thiên nhiên lớn nhất tại Quảng Ninh trong 50 năm qua.

    Trước tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp cũng như để tập trung giải quyết, khắc phục sớm nhất hậu quả của đợt mưa lũ, đảm bảo ổn định đời sống của nhân dân, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Đọc đã ký văn bản chỉ đạo duy trì lịch làm việc bình thường trong ngày nghỉ. Cả nước đang cùng Quảng Ninh khắc phục hậu quả cơn lũ lịch sử, ước tổng thiệt hại đến nay khoảng 2.000 tỉ đồng.

    Nhân dân cả nước cùng Quảng Ninh khắc phục hậu quả do trận mưa lũ lịch sử.

    Trong đó, tính riêng ngành than, theo báo cáo của tập đoàn Công nghiệp Than -Khoáng sản Việt Nam (TKV), tổng thiệt hại dự kiến tại thời điểm 31/7/2015 lên đến 1.000 tỉ đồng và có thể tăng cao hơn nếu thời tiết còn diễn biến phức tạp. Đồng thời, các ngày cuối tháng Bảy phải ngừng sản xuất làm giảm sản lượng than sản xuất, tiêu thụ trên 0,5 triệu tấn. Cũng trong Thông báo thiệt hại mới nhất của TKV đến ngày 2/8 thể hiện tại các mỏ khai thác than lộ thiên. Mưa lớn gây sạt lở nhiều hệ thống tầng, bờ moong mỏ, vỡ mương thoát nước, ở các công ty Hà Tu, Núi Béo, Đèo Nai. Ước tính chỉ ở các công ty này đã có cỡ 1 triệu m3 bùn đất chảy vào khu vực khai thác hoặc đường nội bộ.

    TKV cũng thừa nhận bùn đất từ chân bãi thải Đông Cao Sơn (chứa đất, đá, tạp chất thừa trong quá trình khai thác than)... trôi lấp đầy một số suối, khu dân cư số 4 phường Mông Dương... Tình hình trôi đất, than còn nghiêm trọng hơn khi TKV cho biết, nhiều kho than (như kho Hà Ráng) đã bị tràn, than trôi ra sông.

    Cũng theo báo cáo của TKV, “lũ cuốn một khối lượng đất đá khổng lồ vào lòng moong (hố tạo ra trong quá trình khai thác)” khiến hệ thống kè, cống, mặt bằng... công ty này bị bùn đất vùi lấp đến trên 1m. Dự kiến phải mất khoảng một tháng mới khắc phục được để sản xuất. Theo văn bản mới nhất của TKV ngày 2/8 thì một số nhà máy điện trước nguy cơ thiếu than đã chấp nhận sử dụng than Vàng Danh, Uông Bí, Mạo Khê và than pha trộn để đáp ứng nhu cầu than cho sản xuất điện (hiện hầu hết đang dùng than Cẩm Phả).

    Nhiều bài học nhãn tiền

    Nghiên cứu mới đây của Quỹ châu Á chỉ ra rằng, trong 20 năm qua, Việt Nam là 1 trong 5 nước có mức độ rủi ro thiên tai cao nhất thế giới, với mức thiệt hại ước tính hàng năm chiếm khoảng 1,5\% GDP.

    Trong tương lai, Việt Nam vẫn là một trong 10 quốc gia trên thế giới sẽ phải hứng chịu nhiều thiệt hại nặng nề nhất do hậu quả của biến đổi khí hậu. Một trong những nguyên nhân chỉ ra sau những bất cập của cơn mưa ở Quảng Ninh đó chính là việc các cấp chính quyền, ngành, địa phương chưa thật sự chủ động trong phòng chống, ngăn ngừa thiên tai.

    Có lẽ, bài học thiên tai không từ một ai và hậu quả khủng khiếp của nó đang trở thành bài học hiện hữu ngay trong những ngày mưa bão. Giờ đây bên cạnh việc gấp rút giải quyết các hậu quả của mưa lũ thì khắc phục hậu quả từ việc quy hoạch phát triển bền vững để giảm nhẹ thiên tai được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.

    Trao đổi với báo chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Đặng Huy Hậu cũng thừa nhận, một phần nguyên nhân gây ngập úng tại tỉnh này là do cơ sở hạ tầng thoát nước trên địa bàn tỉnh không tốt. Việc quy hoạch của địa phương cũng vậy. Điều này thể hiện qua quy hoạch đổ thải các bãi xỉ than cũng như vấn đề an toàn sau đổ thải ở các bãi đổ. Đây là vấn đề đáng lưu ý trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa cao và nhanh. Việc mất cân bằng sinh thái tự nhiên cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng. Cũng như ông Hậu thẳng thắn “bài học thì nhiều”, tuy nhiên việc khắc phục hậu quả ra sao sau lũ và tầm nhìn chiến lược giúp giảm nhẹ thiên tai như thế nào đối với các cấp chính quyền và các công ty khai thác khoáng sản mới là điều quan trọng. Và, hy vọng bài học sẽ không khó thuộc và sợi dây kinh nghiệm không quá dài để rút có hiệu quả.

     Miền Bắc thiệt hại nặng nề do mưa lũ kéo dài

    Trong tuần từ 27/7 đến 19h ngày 2/8, mưa, lũ, sạt lở đất đã gây thiệt hại, cụ thể: Thiệt hại về người: 22 người chết (Quảng Ninh 17, Lạng Sơn 2, Lai Châu 2, Sơn La 1), 41 người  bị thương. Thiệt hại về nhà ở: 30 nhà sập đổ (Quảng Ninh 28, Điện Biên 2); 150 nhà bị tốc mái xiêu vẹo; 9.133 nhà bị ngập (Quảng Ninh 9.046, Điện Biên 80, Cao Bằng 7).

    Thiệt hại về nông nghiệp: Diện tích lúa bị ngập thiệt hại: 2.466 ha (Điện Biên 650 ha, Tuyên Quang 337,1 ha, Lạng Sơn 1.330 ha, Cao Bằng 20 ha, Sơn La 129 ha). Diện tích hoa, rau màu bị thiệt hại: 6.825 ha (Quảng Ninh 4.329 ha, Điện Biên 650 ha, Tuyên Quang 337 ha, Lạng Sơn 1.330 ha, Cao Bằng 30 ha, Sơn La 129 ha). Đại gia súc bị chết: 87 con (Điện Biên); gia cầm bị chết: 13.579 con (Điện Biên 11.500, Quảng Ninh 2.079). Về Thủy lợi: 64 công trình thủy lợi nhỏ bị sập, trôi, thiệt hại (Điện Biên 59 cái, Tuyên Quang 5 cái); 159 phi tạm bị trôi (Điện Biên).

    Trong buổi họp báo Chính phủ, khi nói về công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại Quảng Ninh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết: “Chính phủ chia sẻ với đau thương mất mát của người dân Quảng Ninh. Thủ tướng đã có 2 công điện chỉ đạo. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã trực tiếp xuống Quảng Ninh chỉ đạo khắc phục hậu quả trận lũ. Chính phủ hết sức chia buồn với gia đình có người thân chết, mất tích”.

    Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nên cũng cho biết: “Nguyên nhân tại sao lại để thiệt hại như thế, các đơn vị, cơ quan chức năng sẽ có trách nhiệm làm rõ. Nhưng, trước mắt cần tập trung khắc phục hậu quả và tìm kiếm cứu nạn”. Liên quan đến trận lũ lịch sử này ở Quảng Ninh, nhiều ý kiến cho rằng, địa phương triển khai công tác ứng phó chậm, nhiều người dân vẫn chủ quan vì không được cảnh báo kịp thời.

    Mưa lũ hoành hành khắp châu Á

    Trong những ngày qua, tại nhiều quốc gia như Việt Nam, Ấn Độ, Myanmar, Bangladesh... hàng trăm người thiệt mạng và mất nhà cửa do lũ lụt và sạt lở đất. Ấn Độ là một trong số những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi các trận mưa dai dẳng.

    Theo AP, hơn 90 người Ấn Độ đã thiệt mạng tuần trước, hàng chục nghìn người mất nhà cửa. Hơn 21 người được cho là thiệt mạng trong trận lở đất ở làng Joumol, bang Manipure, Đông Bắc Ấn Độ. Ngày 2/8, Liên Hợp Quốc cảnh báo, số người chết vì mưa lụt ở Myanmar sẽ tăng trong những ngày tới.

    Tính đến tối 3/8, ít nhất 27 người đã thiệt mạng. Trong khi đó ở Nepal, mưa lớn gây lở đất, khiến ít nhất 36 người thiệt mạng.  Tại Pakistan, lũ lớn khiến 81 người thiệt mạng và 300.000 người bị ảnh hưởng. Thành phố Lahore, Pakistan được mệnh danh "Venice phương Đông" cũng chìm trong mưa lũ.

    Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Đặng Huy Hậu cho biết, những ngày qua, toàn tỉnh quay cuồng trong bão lũ, chúng tôi cũng rất đau xót khi nhìn cảnh nhân dân bị mắc kẹt vì mưa lũ từ huyện đảo Cô Tô cho đến các xã nghèo vùng sâu. Anh em cán bộ nhiều người ăn mỳ tôm, bánh mỳ và túc trực cả đêm để chỉ đạo tác chiến.

    Trước mắt, phía TKV đã hỗ trợ 10 tỉ đồng để tỉnh thực hiện công tác khắc phục hậu quả, còn hiện tại cả TKV cũng đang rất khó khăn nên tạm thời như vậy đã. Bài toán dân cư là công tác lâu dài và nhiều vấn đề cần triển khai, nên chúng tôi sẽ triển khai từng bước một.

    Hiện tại,  Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Ninh đang tổ chức triển khai các chương trình, phương án hỗ trợ, khắc phục hậu quả sau mưa lũ đối với đồng bào, có thể sẽ lên phương án kêu gọi tình nguyện viên huy động nguồn nhân lực.

    Chúng tôi luôn cố gắng hết sức để lo đảm bảo giảm thiểu tối đa thiệt hại về người, về của, chi viện ứng cứu kịp thời đối với các vùng tập trung thiệt hại nặng nề. Mối lo của chúng tôi không chỉ riêng cho đất liền mà còn cho cả quần chúng nhân dân thuộc các vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo. Trong lúc này, sự đoàn kết hỗ trợ lẫn nhau là điều cần thiết. Bài toán về dân sinh là vấn đề lâu dài không phải khắc phục ngày một ngày hai.

     Lại Cường - Anh Đức

    Xem thêm video:

    [mecloud]JKUf3vSIpL[/mecloud]

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mua-lu-tai-quang-ninhbai-hoc-lich-su-va-cau-hoi-ve-tam-nhin-chien-luoc-a105494.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.