+Aa-
    Zalo

    Người cựu binh tự nguyện gác tàu 12 năm, giữ bình yên cho cung đường sắt

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thấy nhiều người bị tai nạn khi chuyến tàu Bắc - Nam chạy qua cung đường dân sinh của xã, ông Chi đã tự nguyện xin làm nhiệm vụ cảnh giới suốt 12 năm trời...

    Sau khi rời quân ngũ, trở về quê hương, cựu binh Nguyễn Huy Chi tích cực lao động sản xuất để giúp đỡ gia đình, bù cho những năm tháng xa nhà. Thế nhưng chẳng may người vợ sau khi sinh con đã bị băng huyết tử vong, để lại cho ông 3 người con thơ. Gạt bỏ dư luận, bà Liên đã tới bên ông, xây dựng hạnh phúc, giúp ông chăm sóc đàn con, viết nên câu chuyện tình đẹp ở miền quê nghèo. Thấy nhiều người bị tai nạn khi chuyến tàu Bắc - Nam chạy qua cung đường dân sinh của xã, ông Chi đã tự nguyện xin làm nhiệm vụ cảnh giới. Mặc dù vào thời điểm đó chỉ được hỗ trợ 60.000 đồng/tháng, nhưng ông vẫn túc trực 12 năm trời, bảo vệ an toàn cho người dân.

    Mảnh ghép cuộc sống

    Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Huy Chi (SN 1939, trú xóm 6, xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) lúc gia đình vừa ăn xong bữa cơm chiều. Rót cốc nước chè xanh mời khách, ông Chi vui vẻ chia sẻ về cuộc sống gia đình với bà Nguyễn Thị Liên, người vợ kém ông tới 21 tuổi.

    “Chúng tôi như hai mảnh ghép bị vỡ, vô tình gặp và khít nhau đến bất ngờ. Trước đây, chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ lấy bà ấy, bởi khi tôi 22 tuổi thì bà ấy mới được sinh ra, khi tôi lấy người vợ đầu tiên thì bà ấy mới chỉ 3 tuổi. Mặc dù cùng ở trong một xã nhưng tôi chỉ xem bà ấy là “cháu” và chưa bao giờ để ý đến. Không hiểu sao duyên của “ông Tơ bà Nguyệt” đã đưa chúng tôi về một nhà”, ông Chi chia sẻ.

    Đến bây giờ, trải qua 35 năm gắn bó vợ chồng, ông bà cảm thấy những sóng gió cuộc đời, dù nghiệt ngã cũng trở nên rất đỗi bình thường. Trước đây, không ít lời đàm tiếu của dư luận cùng với sự phản đối của gia đình hai bên đã tạo nên bức tường thành ngăn cản ông bà đến với nhau. Và chuyện người con đầu của ông Chi chỉ thua bà Liên có... 4 tuổi cũng đã khiến ông bà phải trăn trở.

    “Tôi đến với ông ấy cũng có thể nói là do không còn đường nào để đi. Lúc đó người con của tôi cần có cha, mà những người con của ông ấy cần có bàn tay người mẹ chăm sóc. Hai chúng tôi đều là những người chịu mất mát và tổn thương, có lẽ vì thế mà chúng tôi cảm thấy bình yên khi ở bên nhau. Làm vợ ông ấy mấy chục năm qua, tôi chưa bao giờ thấy khổ, trái lại, tôi còn phải mang ơn ông trời đã cho tôi hạnh phúc, mặc dù muộn màng”, bà Liên mỉm cười.

    Ngày ấy, trong ngôi nhà dột nát, ông bà đã cùng nhau chăm sóc 7 người con, trong đó có 4 người con riêng và 3 người con chung, chỉ bằng 3 sào ruộng và số tiền chế độ thương binh hạn hẹp của ông Chi. Cuộc sống vất vả nhưng ông bà chưa một lần to tiếng cãi vã.

    “Thực ra, đã là vợ chồng thì đâu thể tránh khỏi những lúc mâu thuẫn. Nhưng chúng tôi đều là những người trải qua sự mất mát tình cảm, nên hiểu việc cãi nhau chỉ khiến hiểu nhầm không thể giải quyết được. Nếu trong cuộc sống có điều gì không hợp ý thì cả hai đều kiên nhẫn, không tranh cãi, vài ngày sau cơn giận qua đi sẽ tự động giảng hòa”, bà Liên nói.

    Tự nguyện gác tàu hơn 12 năm

    Ông Chi ra hiệu lệnh ngăn cản người đi qua khi đoàn tàu đến.

    Sau khi rời quân ngũ vào năm 1971, ông Chi trở về nhà làm ruộng và tham gia các hoạt động của địa phương. Năm 1983, bà Liên về ở cùng với ông đã trở thành hậu phương vững chắc để ông tiếp tục đảm nhiệm các chức vụ của xóm, xã. Gần chục năm làm xóm trưởng và tham gia hội Cựu chiến binh, ông Chi đã có những đóng góp không nhỏ cho địa phương mà việc làm nổi bật chính là tình nguyện gác đường tàu dân sinh 12 năm ròng rã.

    Theo đó, trên địa bàn xã Quỳnh Tân có đường sắt chạy qua đường ngang dân sinh km 254+030. Chính vì thế, ngành đường sắt đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức cảnh giới và giao cho đoàn thanh niên xã đảm nhận. Tuy nhiên, do không có hỗ trợ nên chỉ một vài tuần sau không còn ai đứng trực ở đây nữa, hậu quả đã khiến cho một số vụ tai nạn tàu hỏa xảy ra. Trước sự việc trên, năm 2005, hội Cựu chiến binh của xã đứng ra đảm nhận nhiệm vụ này và phân công hai người đảm trách, trong đó có ông Nguyễn Huy Chi.

    Lúc đó ngành đường sắt thông báo sẽ hỗ trợ địa phương. Ông Chi nhớ lại: “Tiền hỗ trợ gác chỉ 60.000 đồng/tháng thôi. Trong khi thời gian gần như cả ngày, từ 6h sáng đến 11h, về ăn trưa, rồi lại ra từ 12h đến 6h tối. Người làm cùng vì bận nhiều việc nên sau một thời gian cũng nghỉ, cuối cùng chỉ còn tôi làm cho đến hôm nay. May mà chính quyền xây cho tôi cái chòi gần đường tàu, có nơi trú nắng trú mưa. Tôi xin thêm một cờ đỏ và một cờ vàng, để khi tàu đến thì ra hiệu lệnh cho mọi người ngừng lại”, ông Chi kể.

    Trong chòi không có điện thoại, không sổ sách, cũng không có bảng giờ tàu, người cựu chiến binh này chỉ cần dùng tai để nghe cũng phát hiện tàu đang chạy đến dù cách vài km.

    “Cách đây 3 năm, khi tôi đang trực thì thấy một người phụ nữ chở muối đi qua đường sắt, do xe nặng nên khi gặp đường ray thì bị ngã. Lúc này tôi nghe tiếng tàu sắp đến, vì vậy tôi hoảng hốt gọi người kia bỏ xe chạy vào. Thế mà người phụ nữ này cứ khăng khăng tiếp tục dựng xe và bảo không nghe tiếng tàu. Nói không được nên tôi lao ra cố hết sức đẩy xe giúp, lực đẩy mạnh, muối văng tứ tung, nhưng cũng là lúc tàu ầm ầm chạy đến. Mặc dù mất hàng nhưng người phụ nữ đó thoát chết, chị ta rối rít cảm ơn và xin lỗi vì đã không nghe lời tôi”, ông Chi nhớ lại.

    Ông Chi cho biết, mỗi ngày có hàng trăm lượt người dân di chuyển qua tuyến đường này, trong khi trung bình có 7 chuyến tàu khách chạy qua, còn tàu hàng thì nhiều không thể tính nổi, nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông rất cao nếu như không có người thông báo. Nhiều lúc mệt mỏi, tiền hỗ trợ chẳng bao nhiêu nên ông cũng muốn nghỉ cho khỏe, nhưng rồi tối về nhà lại nghĩ nếu mình không làm thì chẳng có ai làm nữa, lỡ xảy ra tai nạn thì hối hận không kịp, nên sáng hôm sau ông lại tiếp tục đạp xe ra gác tàu.

    “Tôi ra gác đường tàu đến bây giờ cũng được 12 năm. Nhiều người bảo tôi già rồi thì nên về nhà cho khỏe, vui chơi với con cháu chứ cần gì phải làm khổ mình như vậy. Nhưng tôi nghĩ đây là việc làm có ích, nên sẽ làm cho đến khi chân chẳng bước đi được nữa thì sẽ nghỉ. Năm ngoái, bên đường sắt cũng đã tăng tiền hỗ trợ lên 1 triệu đồng/tháng cho tôi rồi. Điều tôi áy náy nhất chính là hơn chục năm nay chẳng đỡ đần gì cho vợ cả, cứ sáng đi tối về, mọi việc lớn nhỏ trong nhà bà ấy đều làm hết. Nhiều hôm tôi bận việc, bà ấy còn tình nguyện ra thay tôi gác tàu”, ông Chi nói.

    Nghe chồng nói vậy, bà Liên ngắt lời: “Tôi chỉ hỗ trợ ông ấy thôi, đi cho khỏe, vận động tuổi già ấy mà. Tôi biết việc này hữu ích nên luôn ủng hộ ông ấy làm. Mà điều lạ là từ khi ông ấy làm công việc này thì chẳng thấy mấy khi đau ốm, dù gần 80 rồi mà vẫn tự mình làm hết mọi thứ. Đây có thể vì ông ấy đang tích đức nên được thần phật phù hộ”.

    Ông Bùi Đăng Sáu, Trưởng ga Hoàng Mai cho biết: “Cung đường này thuộc địa hạt của công ty cổ phần đường sắt Thanh Hóa, tôi không trực tiếp quản lý nhưng tôi có biết việc làm của ông Nguyễn Huy Chi. Ông Chi là một trong những điển hình người tốt, việc tốt, là một tấm gương vì sự nghiệp giao thông ở tỉnh Nghệ An, việc làm của ông đã khẳng định dù tuổi già nhưng sức không yếu, dù thương binh nhưng chỉ cần có lòng quyết tâm thì đều có thể đóng góp cho xã hội”.

    *Bài viết đã đăng trên báo giấy Đời sống & Pháp luật

    Lê Giáp

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-cuu-binh-tu-nguyen-gac-tau-12-nam-giu-binh-yen-cho-cung-duong-sat-a185417.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan