+Aa-
    Zalo

    Nhật Bản bắt đầu xả nước thải hạt nhân từ nhà máy Fukushima xuống biển

    (ĐS&PL) - Hôm nay (24/8), Nhật Bản đã bắt đầu xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra Thái Bình Dương.

    CNN dẫn thông cáo từ Công ty điện lực Tokyo (TEPCO), doanh nghiệp quốc doanh chịu trách nhiệm vận hành nhà máy Fukushima Daiichi cho biết, quá trình xả thải đã bắt đầu lúc 13h03 ngày 24/8 (theo giờ địa phương) - tức 11h03 cùng ngày theo giờ Việt Nam.

    TEPCO khẳng định, hoạt động này sẽ bị đình chỉ ngay lập tức và nhà chức trách sẽ vào cuộc điều tra nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trong thiết bị xả thải hoặc mức độ pha loãng của nước thải đã qua xử lý.

    Các giám sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng có mặt tại nhà máy để thực hiện các thủ tục liên quan.

    nhat ban bat dau xa nuoc thai hat nhan quoc gia lang gieng bay to lo lang dspl 00

    Nhật Bản bắt đầu xả nước thải hạt nhân. Ảnh: AP

    Việc xả thải này sẽ là một bước quan trọng trong quá trình ngừng hoạt động của nhà máy Fukushima Daiichi, bao gồm cả việc loại bỏ nhiên liệu nóng chảy sau khi nó bị phá hủy trong một trận sóng thần.

    TEPCO sẽ thải tổng cộng 7.800 tấn nước ra biển trong 17 ngày tới, liên tục 24h/ngày kể từ hôm nay. Đây là đợt xả thải đầu tiên trong 4 lần xả được lên kế hoạch trong năm tài khóa 2023 (từ nay đến tháng 3/2024), dự kiến xả 31.200 tấn nước.

    Dự án xả nước thải hạt nhân đã được nghiên cứu trong nhiều năm. Tháng 7 vừa qua, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã phê duyệt kế hoạch xả thải.

    Tuy nhiên, Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) bày tỏ quan ngại trong một thông cáo báo chí vào ngày 22/8, nhận định Chính phủ Nhật Bản đã chọn một giải pháp có thể dẫn đến sai lầm, việc xả nước thải hạt nhân có thể gây ô nhiễm phóng xạ trong môi trường biển nhiều thập kỷ, đặc biệt thời điểm các đại dương trên thế giới đang phải chịu nhiều áp lực do biến đổi khí hậu.

    Việc xả nước thải của Nhật Bản đồng thời khiến các quốc gia khác trong khu vực lo lắng. Cũng trong ngày 22/8, Chính phủ Trung Quốc đã triệu tập Đại sứ Nhật Bản tại quốc gia này để bày tỏ mối quan ngại trước chương trình xả nước thải hạt nhân với môi trường biển.

    nhat ban bat dau xa nuoc thai hat nhan quoc gia lang gieng bay to lo lang dspl 00b
    Lò phản ứng số 1 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị phá hủy sau thảm họa vào năm 2011. Ảnh: Japanization.

    Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: “Phía Nhật Bản không nên gây ra tổn hại thứ cấp cho người dân địa phương và thậm chí cả người dân trên thế giới vì lợi ích ích kỷ của chính mình”.

    Trung Quốc cho biết họ cũng sẽ thực hiện các biện pháp để bảo vệ môi trường biển và sức khỏe cộng đồng, đồng thời sẽ tăng cường giám sát mức độ phóng xạ trong vùng biển sau khi xả thải.

    Cơ quan hải quan Trung Quốc đã thông báo ngừng nhập khẩu thủy hải sản từ Nhật Bản, để ngăn chặn thực phẩm bị nhiễm phóng xạ lên bàn ăn của các hộ gia đình Trung Quốc.

    Thủ tướng Quần đảo Cook Mark Brown nói rằng mặc dù khoa học ủng hộ quyết định của Nhật Bản nhưng khu vực có thể không đồng ý về vấn đề "phức tạp" này.

    Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo cho biết lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm thực phẩm và thủy sản của Fukushima sẽ được giữ nguyên cho đến khi những lo ngại của công chúng được xoa dịu.

    Trong khi đó, Tokyo khẳng định việc họ xả nước là an toàn, đồng thời lưu ý rằng Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng đã kết luận rằng tác động của nó đối với con người và môi trường là "không đáng kể".

    Bộ trưởng môi trường Nhật Bản cho biết nước này sẽ tiến hành giám sát xung quanh khu vực xả nước và công bố kết quả hàng tuần.

    Mộc Miên(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhat-ban-bat-dau-xa-nuoc-thai-hat-nhan-tu-nha-may-fukushima-xuong-bien-a588226.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan