+Aa-
    Zalo

    Nhiều nơi ở miền Trung ngập sâu, hàng trăm học sinh mắc kẹt chờ cứu hộ

    (ĐS&PL) - Hàng trăm học sinh trường THCS Phan Đình Phùng (TP.Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) đang học thì nước lên bất ngờ bao quanh, nhà trường phải thông báo cho phụ huynh đến đón con và liên hệ cơ quan chức năng "giải cứu" học sinh.

    Thông tin trên báo Dân Trí, sáng 28/10, hàng trăm học sinh trường THCS Phan Đình Phùng đang học thì nước lên bất ngờ bao quanh trường học. Trước tình thế cấp bách, nhà trường phải thông báo cho phụ huynh đến đón con và liên hệ cơ quan chức năng "giải cứu" học sinh.

    Thầy Nguyễn Thế Nhân, Hiệu trưởng trường THCS Phan Đình Phùng cho biết, trong sáng 28/10 có 262 học sinh khối 6 đang học tập tại 6 lớp. Khi giáo viên dạy xong tiết một thì nước ập vào khuôn viên nên nhà trường phải thông báo cho phụ huynh đến đón học sinh.

    nhieu noi o mien trung ngap sau hang tram hoc sinh mac ket cho cuu ho dspl 2
    Lực lượng chức năng dùng xuồng giải cứu học sinh khỏi vùng ngập lụt. Ảnh: Dân Trí

    Tuy nhiên, khoảng 8h30 cùng ngày, nước lên rất nhanh nên nhà trường phải nhanh chóng báo với Phòng GD&ĐT cùng chính quyền để có phương án cứu hộ.

    Sau khi tiếp nhận thông tin, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an Quảng Trị đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường, dùng xuồng để giải cứu học sinh. Bên cạnh đó, lực lượng dân phòng, công an địa phương phải cõng từng học sinh đến khu vực cao để bàn giao cho phụ huynh.

    "Nước lên rất nhanh và bất ngờ, chỉ trong nửa giờ đã dâng cao hơn 1 m. Trong quá trình bàn giao học sinh cho phụ huynh, nhà trường yêu cầu giáo viên các lớp ghi lại tên từng em để giám sát học sinh", Dân Trí dẫn lời thầy giáo Nguyễn Thế Nhân cho biết.

    Hiện các lực lượng chức năng tiếp tục di chuyển học sinh từ khu vực trường đến nơi an toàn.

    nhieu noi o mien trung ngap sau hang tram hoc sinh mac ket cho cuu ho dspl 1
    Học sinh mắc kẹt trong trường học được đưa ra ngoài. Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến 

    Không chỉ ở Quảng Trị, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, mưa lớn nhiều giờ cũng khiến một số tuyến đường bị ngập sâu. Trong khi đó, có ngọn núi ở Nghệ An bị sạt lở, gây nguy hiểm cho người dân.

    Cụ thể, từ đêm 27 đến ngày 28/10, nhiều địa bàn ở Hà Tĩnh có mưa lớn như ở huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, thị xã Kỳ Anh. Lượng mưa phổ biến từ 70-200 mm, khiến nhiều tuyến đường dân sinh ngập sâu, gây ách tắc giao thông.

    Trả lời trên Tri Thức Trực Tuyến, ông Võ Tiến Sửu, Chủ tịch UBND xã Kỳ Phong (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), cho biết mưa lớn kéo dài đã làm ngập quốc lộ 1 đi qua địa bàn.

    “Khoảng 200 m quốc lộ 1 bị ngập sâu đến 60 cm. Lực lượng chức năng đã cắm biển cảnh báo, cấm người đi xe máy qua lại vị trí ngập. Với ôtô tải, xe gầm cao được qua song phải đảm bảo an toàn”, ông Sửu nói.

    Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động đới gió Đông trên cao nên từ ngày 28 đến hết ngày 30/10, khu vực Hà Tĩnh có khả năng xảy ra đợt mưa lớn. Tổng lượng mưa dự báo phổ biến ở mức 150-300 mm, riêng vùng đồng bằng ven biển phía nam có nơi trên 350 mm.

    Mưa lớn diện rộng gây nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp ven sông và khu đô thị.

    Tại Nghệ An, mưa lớn hai ngày qua cũng khiến đất đá từ một số ngọn núi ở khu vực huyện miền núi Tương Dương bị sạt xuống, uy hiếp nhà dân, nguy cơ chia cắt nhiều tuyến đường.

    nhieu noi o mien trung ngap sau hang tram hoc sinh mac ket cho cuu ho dspl 3
    Nhà dân bị hư hỏng do sạt lở núi vào đợt mưa lũ trước đó nay tiếp tục sạt lở. Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến

    Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, để chủ động ứng phó với mưa lũ do áp thấp nhiệt đới trong khi những ngày qua mưa lũ đã liên tiếp diễn ra tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, Bộ trưởng bộ GD&ĐT yêu cầu Giám đốc sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên thực hiện nghiêm túc Công điện số 1426/CĐ-TTg ngày 25/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền Trung.

    Theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ, tổ chức trực ban 24/24 giờ; duy trì liên hệ, thông báo ứng cứu kịp thời; thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp tại địa phương trong công tác ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

    Đồng thời, hướng dẫn, tuyên truyền phụ huynh có biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh khi nghỉ học ở nhà do mưa lũ.

    Tập trung rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu khi mưa lớn; di dời máy móc, thiết bị dạy học, tài liệu, hồ sơ lên tầng cao hoặc chuyển đến nơi không có nguy cơ ngập lụt để tránh hư hại. Tạo điều kiện cho người dân tránh trú trong điều kiện cho phép.

    Giám đốc sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên tổng hợp thiệt hại và lên phương án xử lý báo cáo UBND cấp tỉnh để khắc phục, đồng thời báo cáo về bộ GD&ĐT.

    Thủy Tiên (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhieu-noi-o-mien-trung-ngap-sau-hang-tram-hoc-sinh-mac-ket-cho-cuu-ho-a517540.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan