+Aa-
    Zalo

    Nhiều trẻ nhỏ chỉ vài tháng tuổi mắc thuỷ đậu, phải nhập viện cả tuần

    (ĐS&PL) - Thời tiết thay đổi liên tục khiến nhiều người mắc bệnh truyền nhiễm, trong đó thuỷ đậu hiện nay xuất hiện nhiều ca có biến chứng nặng.

    Bệnh nhi N.V.Đ (9 tháng tuổi, phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội) mắc thuỷ đậu phải nằm viện điều trị dài ngày. Sau 1 tuần, bệnh nhi vẫn còn xuất hiện nhiều nốt thủy đậu trên mặt, trên người và bị viêm phổi. Được biết Đ mắc bệnh nhưng chưa được tiêm phòng thủy đậu. Chị H.P.H, mẹ của bệnh nhi chia sẻ: “Dù lần này đã mắc thủy đậu, nhưng sau khi khỏi bệnh tôi sẽ phải nhớ lịch đi tiêm phòng cho con để phòng bệnh tái lại cũng không bị biến chứng nguy hiểm”.

    Tương tự, bệnh nhân Đ.T.H  (tại Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ khi mắc thủy đậu chị bị sốt, đau đầu, đau họng và ngứa rát toàn thân. Sau 7 ngày điều trị tại bệnh viện, các nốt phỏng thủy đậu vẫn còn xuất hiện nhiều trên mặt và toàn thân.

    4335556079218667666092214182995397316934707n
    Nhiều bệnh nhi chỉ vài tháng tuổi đã mắc thuỷ đậu

    Theo BSCKII Trần Thị Kim Anh, Trưởng khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện đa khoa Hà Đông cho biết, thời tiết giao mùa như hiện nay dễ xuất hiện nhiều ca mắc mới. Tại bệnh viện đã tiếp nhận điều trị nội trú và ngoại trú cho gần 10 bệnh nhân mắc thủy đậu, trong đó có cả người lớn và trẻ nhỏ. Nhiều trường hợp bệnh tưởng nhẹ nhưng lại rất nguy hiểm khi bị biến chứng. Đặc biệt, nhiều bệnh nhân chưa được tiêm phòng thủy đậu.

    Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh thủy đậu là bệnh cấp tính do virus có khả năng sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu khi bong ra tồn tại trong không khí. Bệnh rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu. Khi bị bệnh thường, bệnh nhân thường có các biểu hiện như mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt phỏng nước (bắt đầu ở vùng đầu, mắt, rồi lan ra toàn thân).

    Tại Hà Nội, bệnh thủy đậu hiện đã ghi nhận các ca mắc cả ở người lớn và trẻ nhỏ. Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 202 ca bệnh.

    Theo các bác sĩ, thủy đậu không chỉ là bệnh ngoài da để lại sẹo, bệnh có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm phổi, viêm tai ảnh hưởng đến thính lực… Thủy đậu đặc biệt nguy hiểm với bà bầu, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người có bệnh nền mãn tính.

    “Để phòng chống bệnh thủy đậu, người dân cần vệ sinh nhà cửa, nơi làm việc sạch sẽ; sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng; vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.

    Tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 9 tháng tuổi để phòng bệnh tránh lây lan. Tuyệt đối không nên tự điều trị tại nhà, tránh bệnh tiến triển nặng”, BSCKII Nguyễn Thị Thùy Dương, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Hà Đông khuyến cáo.

    Mộc Trà

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhieu-tre-nho-chi-vai-thang-tuoi-mac-thuy-dau-phai-nhap-vien-ca-tuan-a615386.html
    Sự kiện: Y tế sức khỏe
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan