+Aa-
    Zalo

    Nhiều trường học cảnh báo sinh viên bị lừa đảo khi tìm việc

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Cảnh báo về việc một sinh viên bị lừa sang Campuchia để cưỡng ép lao động và tống tiền, sau đó may mắn trốn về được đã được nhiều trường đại học ở TP.HCM đăng thông tin.

    Theo báo Lao động, ngày 5/1, một số trường đại học tại TP.HCM đã đồng loạt thông tin cảnh báo đến sinh viên về tình trạng lừa, ép sinh viên sang Campuchia.

    Đơn cử trên trang fanpage Phòng Tuyển sinh và Công tác Sinh viên SPKT của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đăng tải thông tin cảnh báo có nội dung kể về việc một sinh viên vừa trải qua khi bị lừa xin việc, sau đó bị bắt cóc sang Campuchia.

    nhieu truong hoc canh bao sinh vien bi lua dao khi tim viec 1
    Bài đăng cảnh báo lừa đảo, bắt cóc sang Campuchia được đăng trên fanpage Phòng Tuyển sinh và Công tác Sinh viên SPKT của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM.

    Cụ thể, nội dung bài đăng cho biết, có một sinh viên của một trường đại học trên địa bàn thành phố sau đó nhận được cuộc gọi và đề nghị kết nối zalo, cung cấp email để xác nhận và hẹn ngày phỏng vấn sau khi nộp hồ sơ xin việc ở nhiều nơi.

    Đáng nói, email và số điện thoại hotline của nhà tuyển dụng này đều là "hàng nhái" của một sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam, người bình thường không có nghiệp vụ sẽ không thể biết.

    Sinh viên này được phỏng vấn qua phòng họp trực tuyến (zoom) một cách chuyên nghiệp. Sau đó, sinh viên này được xác nhận bằng email là đã trúng tuyển và đi thực tập tại kho ở tỉnh Long An.

    Tiếp theo, sinh viên được hẹn ra bến xe An Sương (quận 12) để xe công ty đưa đi Long An. Thời điểm lên xe, sinh viên thấy chỉ có một tài xế khi lên xe. Tuy nhiên, sau đó xe này đón thêm vài người, cả người Việt và người Campuchia.

    "Tại đây, nhóm người này đã đánh sinh viên để không kêu la và đưa sang một xe khác để chạy qua Campuchia bằng đường tiểu ngạch. Trên chuyến xe này, sinh viên cũng phát hiện đã có 2 bạn khác, chắc cũng là sinh viên đang bị mấy người Campuchia kèm trên xe. Qua đến Campuchia, nhóm người lại đổi xe để đưa đi tiếp", bài cảnh báo cho biết.

    Dù bị đánh đến kiệt sức, nhưng sinh viên này lợi dụng trời đêm tối để tháo chạy. Nhóm người nhanh chóng đuổi theo nhưng may mắn là không đuổi kịp. Sợ lộ nên nhóm người quay trở lại xe và rời đi. Sinh viên này đã về lại được Việt Nam bằng nhiều cách, cộng với may mắn và có kỹ năng thoát hiểm tốt sau 24 giờ bị bắt đi, chỉ bị đánh và chấn thương phần mềm.

    Cũng theo bài đăng, sinh viên này đã đến công an cửa khẩu, công an địa phương và trường nơi mình học để trình báo sự việc, báo Dân Việt đưa tin.

    Bài đăng thông tin cảnh giác nêu trên lập tức nhận được "bão share" trên mạng xã hội. Hàng ngàn lượt share, like và comment, chứng tỏ sự quan tâm lớn của sinh viên đối với hành vi lừa đảo, bắt cóc nêu trên.

    Trao đổi với PV Dân Việt, Trưởng phòng Tuyển sinh và công tác sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - ông Trần Thanh Thưởng cho biết, qua một số nguồn tin, nhà trường biết được câu chuyện trốn thoát của sinh viên trường X (giấu tên) khi bị lừa sang Campuchia bằng hình thức tuyển dụng việc làm.

    Do đó, để các em sinh viên cẩn trọng khi đi tìm việc làm thêm; tránh rơi vào bẫy lừa đảo của kẻ gian hoặc tồi tệ hơn là bị rơi vào trường hợp như sinh viên nói trên nhà trường lập tức đăng tải bài cảnh báo.

    Ông Thưởng khuyên các bạn sinh viên thì phải tìm hiểu kỹ lưỡng nếu có ý định đi làm thêm, tìm kiếm những nơi uy tín hoặc thông qua kênh giới thiệu việc làm của nhà trường để tìm việc. Các em sinh viên cũng đặc biệt cẩn thận những công việc được giới thiệu mỹ miều như việc nhẹ lương cao; thu nhập hàng chục triệu mỗi tháng; công việc thu nhập tốt nhưng chỉ phải gõ văn bản, đánh giá sản phẩm...

    Đại diện trường X (nơi có sinh viên bị lừa sang Campuchia nêu trên) xác nhận với PV Dân Việt, sinh viên đã trình báo sự việc với công an và báo nhà trường để cảnh giác cho các bạn khác, sau khi trốn thoát từ Campuchia về Việt Nam.

    nhieu truong hoc canh bao sinh vien bi lua dao khi tim viec 4
    Nhiều hình thức lừa đảo tinh vi khi nhu cầu tìm việc làm của sinh viên cao.

    Trường X yêu cầu sinh viên hết sức cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo, dụ dỗ như trên để chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động bắt cóc, buôn bán người thông qua hình thức tuyển dụng, đồng thời tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trường học. Cẩn trọng suy nghĩ và nên tìm hiểu kỹ về lịch sử và hoạt động pháp lý của các công ty trước khi ứng tuyển và phỏng vấn.

    Trường này cũng đưa ra số điện thoại hotline và email để sinh viên có thể gọi khi cần sự hỗ trợ tư vấn hoặc phát hiện trong bạn bè có người từng gặp phải tình huống lừa đảo. Đồng thời, cung cấp website về việc làm để sinh viên có nhu cầu tìm việc làm có thể tham khảo.

    Nhật Minh (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhieu-truong-hoc-canh-bao-sinh-vien-bi-lua-dao-khi-tim-viec-a606225.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan