+Aa-
    Zalo

    Những dấu hiệu của tội xâm phạm chỗ ở của người khác và tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật

    (ĐS&PL) - Luật sư Nghiêm Quang Vinh, Giám đốc công ty Luật Nghiêm Quang, đoàn luật sư TP.Hà Nội bình luận về tội xâm phạm chỗ ở của người khác và tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật.

    Bình luận về tội xâm phạm chỗ ở của người khác, luật sư Nghiêm Quang Vinh đưa ra những quan điểm, theo pháp luật hiện hành, tội xâm phạm chỗ ở của người khác được quy định tại 158 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, cụ thể: "Tội xâm phạm chỗ ở của người khác là hành vi khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác, đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ hoặc có những hành vi trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người khác".

    Chỗ ở của công dân được hiểu là bất kỳ nơi nào đang có người cư trú hợp pháp và được cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương thừa nhận. Đây có thể là nơi thường trú, chỗ ở lâu dài (không phân biệt đó là thuộc sở hữu nào như nhà riêng, tập thể, nhà thuê, mượn, hay nơi di động như thuyền của ngư dân…) nhưng cũng có thể là nơi tạm trú (như phòng ở trong khách sạn); có thể là nơi ở cố định hoặc di động, là một tòa nhà gồm cả sân và vườn phụ hay chỉ là một căn phòng hoặc một phần của một phòng, không kể là nhà thuộc sở hữu của họ hay thuê, mượn hoặc ở nhờ.

    Theo đó, tội xâm phạm chỗ ở của công dân là hành vi khám trái pháp luật chỗ ở, đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ hoặc có những hành vi trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân.

    Hậu quả của tội xâm phạm chỗ ở của công dân là làm cho người khác bị mất chỗ ở, bị ảnh hưởng đến cuộc sống, đến sinh hoạt bình thường của công dân và các thành viên trong gia đình họ hoặc gây ra những thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần cho người bị hại.

    Các thiệt hại này, đều có liên quan đến quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân, nếu những thiệt hại không liên quan đến quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân, mà xâm phạm đến các quyền khác thì tuỳ từng trường hợp mà người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội tương ứng.

    Hậu quả từ hành vi xâm hại là tác động trực tiếp tới quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người khác.

    tu vu canh sat pha cua cuong che nguoi dan di xet nghiem covid 19 luat su noi gi ve toi xam pham cho o cua nguoi khac dspl 1

    Về mặt lỗi, lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Chủ thể nhận thức hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác là trái pháp luật nhưng vẫn thực hiện. Người phạm tội xâm phạm chỗ ở của công dân thực hiện hành vi của mình do cố ý trực tiếp, nhưng cũng có trường hợp người phạm tội chỉ nhận thức được hành vi là trái pháp luật, có thể thấy trước hậu quả của hành vi, không mong muốn nhưng để mặc cho hậu quả xảy ra.

    Người phạm tội xâm phạm chỗ ở của công dân có nhiều động cơ khác nhau; động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, nên việc xác định động cơ phạm tội của người phạm tội chỉ có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt.

    Mục đích của người phạm tội là mong muốn xâm phạm được chỗ ở của người khác. Tuy nhiên, mức độ có khác nhau, có người chỉ mong khám chỗ ở của người khác, có người mong đuổi được người khác ra khỏi chỗ ở, có người mong lấn chiếm được được một phần chỗ ở của người khác.v.v…

    Đối với tội bắt, giữ người trái pháp luật, theo luật sư Nghiêm Quang Vinh, tội này được quy định tại Điều 157 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

    Theo đó, bắt, giữ người trái pháp luật là hành vi ngăn cản, tước đoạt sự tự do dịch chuyển thân thể của người khác trái với quy định của pháp luật.

    Về hành vi: Hành vi bắt người trái pháp luật được thể hiện ở hành vi khống chế người khác để tạm giữ hoặc giam giữ họ. Việc khống chế này có thể dùng vũ lực hoặc các biện pháp khác nhau như trói, còng tay…

    Hành vi giữ người trái pháp luật được thể hiện ở hành vi không cho người bị bắt đi đâu vượt ra ngoài sự kiểm soát của người phạm tội trong một khoảng thời gian ngắn.

    Hành vi giam người trái pháp luật được thể hiện ở ở hành vi nhốt người bị bắt vào một nơi trong một thời gian nhất định (như nhốt ở trong nhà...).

    Tội phạm hoàn thành kể từ khi người phạm tội có hành vi nhằm bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật.

    Luật sư Nghiêm Quang Vinh cũng cho biết, hành vi bắt giữ, hoặc giam người nêu trên phải trái với pháp luật, đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản.

    Dấu hiệu trái pháp luật được thể hiện qua các đặc điểm, người không có thẩm quyền nhưng lại thực hiện việc bắt, giữ, giam người khác. Người có thẩm quyền trong việc bắt, giữ hoặc giam người nhưng thực hiện việc bắt, giữ, giam người không đúng quy định của pháp luật như: Không có lệnh bắt, hoặc khi có lệnh bắt nhưng lai không lập biên bản theo đúng quy định không có người chứng kiến, tạm giam quá thời hạn hoặc bắt sai đối tượng…

    Bên cạnh đó, nếu việc bắt, giữ, giam người trái pháp luật mà có dùng vũ lực dẫn đến gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ cho người bị hại thì người có hành vi nêu trên còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ người khác.

    Điều 157. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017)

    1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

    2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:

    a) Có tổ chức;

    b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

    c) Đối với người đang thi hành công vụ;

    d) Phạm tội 2 lần trở lên;

    đ) Đối với 2 người trở lên;

    e) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

    g) Làm cho người bị bắt, giữ, giam hoặc gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn;

    h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

    3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm:

    a) Làm người bị bắt, giữ, giam chết hoặc tự sát;

    b) Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục nhân phẩm của người bị bắt, giữ, giam;

    c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

    4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

    Điều 158. Tội xâm phạm chỗ ở của người khác 

    1.Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm:

    a) Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;

    b) Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ;

    c) Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ;

    d) Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác.

    2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

    a) Có tổ chức;

    b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

    c) Phạm tội 2 lần trở lên;

    d) Làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát;

    đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

    3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

    Thủy Tiên

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-dau-hieu-cua-toi-xam-pham-cho-o-cua-nguoi-khac-va-toi-bat-giu-hoac-giam-nguoi-trai-phap-luat-a514740.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan