+Aa-
    Zalo

    Phản bác quanh phát biểu của Bộ trưởng Y tế

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Ý kiến của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Kim Tiến cho rằng, bất cập trong đãi ngộ sẽ làm nảy sinh tình trạng "cháy máu" chất xám. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nhận định của Bộ trưởng Y tế bắt đúng bệnh nhưng chưa trúng, chưa đủ.

    (ĐSPL) - Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: "Nghiên cứu tăng lương cho cán bộ ngành y tế là một kiến nghị tích cực và cũng là vấn đề cần thiết phải làm. Tuy nhiên, nhận định của Bộ trưởng Bộ Y tế đã bắt đúng bệnh mà chưa trúng, chưa đủ".

    Trao đổi trên VietNamNet, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, những bất cập trong đãi ngộ sẽ làm nảy sinh tình trạng "chảy máu" chất xám, không động viên khuyến khích mọi người tích cực làm việc, nghiên cứu, học tập và nảy sinh tiêu cực. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, không thể đổ lỗi việc nảy sinh tiêu cực là do đãi ngộ vì chưa có điều tra nào cụ thể về lương và thu nhập của cán bộ y tế. Không nên tách rời hai khoản trên vì lương thấp nhưng chưa chắc thu nhập đã thấp.

    Phản bác lại quanh phát biểu của bộ trưởng bộ Y tế
    Nâng cao đãi ngộ, liệu tiêu cực ngành y có giảm bớt?

    Thu nhập có thực sự thấp?

    Theo Bộ trưởng Y tế, Bộ đang đề nghị với Nhà nước để giải quyết các chế độ chính sách cho công chức ngành y bởi việc tính lương cho cán bộ ngành y hiện nay chưa tính đến đặc thù nghề nghiệp và thời gian đào tạo của một số ngành, các y bác sĩ vẫn hưởng chung bảng lương như các ngành khác.

    Theo ghi nhận của PV, thực tế cho thấy, một số bác sĩ ở bệnh viện công có tâm trạng không muốn làm vì nghĩ "lương không đủ sống" nhưng thực chất có những thu nhập vô hình ai cũng biết mà không nói ra.

    Bên cạnh đó, không nên đồng nhất mức thu nhập của cán bộ y tế ở các vùng miền. Trong nhiều trường hợp, mức thu nhập của các cán bộ y tế không thấp mà thậm chí còn cao gấp nhiều ngành khác.

    Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, nữ cán bộ y tế của một bệnh viện lớn ở Hà Nội (đề nghị được giấu tên) chia sẻ, tại bệnh viện chị làm mức lương của một người mới vào nghề cộng cả phụ cấp các loại được khoảng 4 triệu đồng/tháng.

    Đối với những trường hợp có kinh nghiệm, lương của các bác sĩ là khoảng 6-7 triệu/tháng nhưng con số này chưa tính đến hiệu suất làm việc. Nếu bác sĩ nào mổ nhiều, làm việc với tần suất nhiều… thì tổng lại một tháng thu nhập từ bệnh viện cũng có thể lên tới 20-30 triệu đồng/tháng. Nữ nhân viên này cũng tiết lộ, thông thường mọi người không chỉ trông chờ vào thu nhập từ bệnh viện mà còn mở phòng khám tư, hoặc phụ giúp cho các cơ sở khám chữa bệnh ngoài giờ để kiếm thêm tiền.

    Liên quan đến vấn đề trên, chị Nguyễn Hoài Thu (Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: Ngành y khác với các ngành khác là y, bác sĩ luôn có cơ hội để kiếm thêm tiền, làm thêm ngoài giờ. Tôi thường đưa con trai đi khám bệnh ở phòng khám của một bác sĩ khoa nhi gần nhà. Khi nào đến, phòng khám cũng chật ních người, có hôm chị lấy phiếu khám cho con ở số 55... Riêng tiền phí khám bệnh chỉ trong vài ba phút đã là 100.000 đồng/người, cộng thêm các khoản khác thì thu nhập của vị bác sĩ này lớn cỡ nào?".

    Bắt đúng bệnh nhưng chưa trúng

    Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: "Nghiên cứu tăng lương cho cán bộ ngành y tế là một kiến nghị tích cực và cũng là vấn đề cần thiết phải làm. Tuy nhiên, nhận định của Bộ trưởng Bộ Y tế đã bắt đúng bệnh mà chưa trúng, chưa đủ".

    Bà Thu phân tích, muốn trở thành một bác sĩ, thời gian học của sinh viên phải gấp rưỡi so với một kỹ sư được đào tạo bài bản đến khi ra trường. Mặc dù phải đầu tư rất lớn vào sự học để thành nghề nhưng đến khi ra trường, một sinh viên ngành y rất vất vả mới có thể tìm được công việc đúng với chuyên môn nghề nghiệp.

    Thậm chí, tôi biết nhiều bác sĩ đã từng phải đi làm "chùa", nghĩa là làm không công trong thời gian dài mà không được vào biên chế. Như thế đã thiệt thòi nhưng khi được vào biên chế, đồng lương lại quá eo hẹp. Điều này là thực tế không ai phủ nhận được. Việc phải quan tâm đến đời sống vật chất tinh thần của y bác sĩ là trách nhiệm của Nhà nước và của toàn xã hội. Dù vậy, nếu nói vì đời sống thấp mà nảy sinh tiêu cực là chưa thuyết phục.

    Vị nguyên Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho hay, không chỉ ngành y mà nhiều ngành nghề khác, cán bộ, công chức, viên chức cũng đang sống với đồng lương theo hạn mức Nhà nước quy định. Nếu nói vì lương thấp mà nảy sinh tiêu cực, hóa ra xã hội này chỉ toàn tiêu cực.

    Hơn nữa, cần nhận thức rõ rằng lương thấp nhưng chưa chắc thu nhập họ đã thấp. Không chỉ riêng trong ngành y tế mà những ngành khác cũng đều như vậy. Thử hỏi, có ai chỉ ăn lương Nhà nước mà xây được vài căn nhà biệt thự, hay liên tục đổi xe sang không?

    "Tôi cho rằng cần nhìn nhận vấn đề một cách khách quan. Không nên thấy tiêu cực lại mang thu nhập ra để mổ xẻ. Không ai dám đảm bảo tất cả cán bộ ngành y tế được trả lương thật cao thì sẽ hết tiêu cực trong ngành. Và cũng không phải tất cả những người lương thấp đều nảy sinh suy nghĩ tiêu cực. Trên thực tế, chúng ta vẫn ghi nhận nhiều tấm lòng "lương y như từ mẫu", vẫn còn nhiều bác sĩ giỏi, tận tậm, tận sức với nghề, chấp nhận đời sống hạn hẹp mà không đòi hỏi, không làm việc trái với đạo đức, lương tâm", bà Thu khẳng định.

    Cũng theo bà Thu, để giải quyết tiêu cực còn nhiều yếu tố khác, trong đó y đức mới là điều quan trọng. "Tôi được biết, từ lâu, ngành y tế đã luôn giương cao các khẩu hiệu về y đức, tận tâm với nghề, chống tiêu cực. Khẩu hiệu dán khắp nơi nhưng những hành động chưa thể làm cho xã hội thấy thuyết phục".

    Đồng quan điểm, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá cho rằng: Đối với cán bộ công chức nói chung, vật chất là điều kiện, phương tiện duy trì cuộc sống, nó cũng là một tiêu chí để cho người lao động phấn khởi làm việc. Song không thể vì thế mà cho rằng tiền là tất cả. Có tiêu cực hay không là tuỳ thuộc vào lương tâm đạo đức của con người. Người có tâm, có đức sẽ đem hết khả năng của mình ra để cứu chữa cho người bệnh chứ không nghĩ vì thu nhập không cao mà không làm hết mình. Nhưng ngược lại, có người cứ đòi phải có thu nhập cao, thậm chí lại còn vòi vĩnh người bệnh, kể cả những người nghèo để họ buộc phải rút hầu bao ra. Có người có tiền mới làm, không có tiền thì gây khó dễ.

    Tuy nhiên, theo vị này, không nên "vơ đũa cả nắm" vì nếu đánh giá "bất cập trong đãi ngộ làm nảy sinh tiêu cực" là không tôn trọng đội ngũ của mình. Như thế là coi ngành y phải có tiền và chỉ có tiền mới làm tốt còn không có tâm. Kết luận này làm cho nhiều cán bộ có lương tâm nghề nghiệp cảm thấy tự ái. Tất nhiên chúng ta phải quan tâm đến chăm lo thu nhập, nghiên cứu chính sách hỗ trợ đời sống cán bộ thì họ mới an tâm công tác. Nhưng không phải vì thế mà nói rằng không đãi ngộ tốt làm nảy sinh tiêu cực là không thuyết phục và xúc phạm đến đạo đức của các cán bộ y tế, không nên bao che cho sự xuống cấp y đức bằng chế độ đãi ngộ.   

    Giải quyết bài toán y đức trước khi nghĩ tới rà soát thu nhập

    Liên quan đến việc điều tra thu nhập của bác sĩ trước khi cải cách vấn đề về lương, bà Nguyễn Thị Hoài Thu cho rằng, đó là điều không cần thiết và cũng khó làm. Bản thân các cán bộ y tế được cấp phép hoạt động mở phòng khám tư nếu họ đủ chuyên môn, đạt trình độ nhất định mà vẫn đảm bảo được công việc ở cơ quan chủ quản. Đời sống khó khăn cũng là một phần khiến nảy sinh tiêu cực, nhưng muốn hạn chế tiêu cực thì bài toán y đức phải được giải quyết triệt để bằng một kết quả nhất định.

    Thu Hạnh

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phan-bac-quanh-phat-bieu-cua-bo-truong-y-te-a24253.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Khi bác sĩ ném y đức xuống sông Hồng

    Khi bác sĩ ném y đức xuống sông Hồng

    (ĐSPL) - Thời gian gần đây, dư luận vô cùng bức xúc về y đức, trách nhiệm và lương tâm của một bộ phận y, bác sĩ sau việc bác sĩ của thẩm mỹ viện Cát Tường làm chết và phi tang xác khách hàng cùng hàng loạt vụ chẩn đoán sai khác.