+Aa-
    Zalo

    Phát hiện một số vấn đề trong khu vực chế biến của cơ sở bánh mì Phượng

    (ĐS&PL) - Đoàn kiểm tra bước đầu ghi nhận một số vấn đề tại cơ sở kinh doanh bánh mì Phượng (Hội An) như: Khu vực sơ chế chưa đảm bảo vệ sinh, các dụng cụ sơ chế, chế biến chưa đảm bảo vệ sinh, trang thiết bị chưa được vệ sinh...

    Ngày 16/9, bác sĩ Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam tiếp tục cập nhật tình hình liên quan đến vụ nhiều người ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng.

    Báo Người lao động đưa tin, theo lãnh đạo Sở Y tế Quảng Nam, đã có bệnh nhân được xuất viện, tuy nhiên, số bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn vẫn còn nhiều. Cụ thể, tại Bệnh viện Đa khoa Thái Bình Dương đang điều trị 60 bệnh nhân, 54 bệnh nhân đã ra viện. Bệnh viện Đa khoa Khu vực Quảng Nam đang điều trị 6 bệnh nhân, 1 người đã ra viện; Trung tâm Y tế huyện Duy Xuyên đang điều trị 3 bệnh nhân; Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức đang điều trị 27 bệnh nhân; Trung tâm Y tế TP Hội An đang điều trị 20 bệnh nhân, 1 ca đã chuyển ra Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng...

    Theo biên bản kiểm tra hôm 13/9 của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Nam, cơ sở bánh mì Phượng nằm trong khu vực phố cổ, diện tích 97 m2. Nền nhà không ngập nước, dễ vệ sinh; tường nhà không ẩm mốc; bảo quản nguyên liệu thực phẩm trong tủ lạnh, tủ đông.

    phat hien mot so van de trong cong tac kiem tra khu vuc che bien cua co so banh mi phuong
    Tiệm bánh mì Phượng từng bán 1 ngày 2.000 ổ bánh mì. Ảnh: Báo Lao động, Dân trí.

    Tuy nhiên, đoàn kiểm tra cho rằng việc sắp xếp nguyên liệu, thực phẩm chưa gọn gàng. Khu vực sơ chế chưa đảm bảo vệ sinh; chưa phân biệt giữa khu vực bảo quản nguyên liệu, thực phẩm, khu vực sơ chế, chế biến và khu vực khác.

    Ngoài ra, cơ sở lưu mẫu chưa đủ số lượng món ăn trong 1 ngày (không lưu bánh mì, sốt trứng gà tươi). Không có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải đảm bảo vệ sinh (thùng rác tại khu vực sơ chế, chế biến không có nắp đậy); các dụng cụ sơ chế, chế biến chưa đảm bảo vệ sinh (máy xay thịt); trang thiết bị dụng cụ bảo quản (tủ lạnh, dụng cụ chứa đựng thực phẩm) chưa được vệ sinh…

    Tại cơ sở bánh mì Phượng có 10 lao động, có đủ giấy xác nhận đủ sức khỏe, xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm. Tại thời điểm điều tra, cơ sở đã dừng hoạt động chế biến, kinh doanh nên không đánh giá điều kiện thực hành vệ sinh cá nhân của chủ cơ sở và nhân viên trực tiếp chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống.

    Trước đó, theo kết quả xác minh từ đoàn điều tra, giám sát và xử lý ngộ độc thực phẩm do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Nam lập và tiến hành hôm 13/9, qua khai báo của chủ cơ sở, có tất cả 10 nguyên liệu, thực phẩm dùng để chế biến ra ổ bánh mì Phượng đến tay thực khách. Trong đó, pa tê do cơ sở tự chế biến, một số nguyên liệu do tiệm bánh mì Phượng mua về rồi tự chế biến, một số mua về đưa vào bánh mì dùng trực tiếp.

    Cụ thể, bánh mì được mua tại cơ sở bánh mì 304 Phan Châu Trinh, TP.Hội An của bà V.T.T. là chủ cơ sở; thịt xíu và xíu mại được cơ sở bánh mì Phượng tự chế biến sau khi mua thịt heo của bà L., chợ Hội An.

    Patê do cơ sở bánh mì Phượng tự chế biến; rau răm, rau húng, hành mua của bà V.H. - chợ Hội An. Sốt trứng gà tươi (trứng gà, dầu ăn) do cơ sở tự chế biến từ trứng gà mua của bà Ng. – chợ Hội An; dưa leo và xà lách mua của ông Th. - chợ Hội An.

    Quả đu đủ tươi được mua của ông Th. - chợ Hội An về cơ sở tự chế biến thành đu đủ chua. Chả heo mua tại cơ sở của bà Đ.T.Th., địa chỉ 282 Nguyễn Duy Hiệu, phường Sơn Phong, TP.Hội An.

    Tại thời điểm điều tra, tiệm bánh mì Phượng chỉ lưu giữ hợp đồng cung cấp thực phẩm với các hộ Đ.T.Th., V.T.T., P.T.L. Các cơ sở cung cấp khác không có hợp đồng, không lưu giữ giấy tờ về an toàn thực phẩm của các cơ sở cung cấp nguyên liệu thực phẩm.

    Như đã đưa tin trước đó, ngày 14/9, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đã thông tin về trường hợp ngộ độc bánh mì tại tiệm bánh mì Phượng 2 ở Hội An: "Trong ngày 11/9, số người ăn bánh mì khoảng 1.900 người, số bánh mì cơ sở bán ra là 1.920 ổ. Tổng số người bị ngộ độc ghi nhận đến sáng 14/9 có 141 người (ghi nhận từ các bệnh viện, cơ sở điều trị trong và ngoại tỉnh), ngoài ra có ghi nhận thông tin từ một số người dân, du khách khác qua điện thoại."

    Cũng theo ông Mười, bên cạnh đó, Sở đã yêu cầu hộ kinh doanh bánh mì Phượng 2 tạm dừng hoạt động chế biến, kinh doanh để phục vụ công tác điều tra cho đến khi có kết luận của cơ quan chức năng và hướng dẫn cơ sở liên hệ với các cơ sở điều trị để chịu các chi phí cho việc điều trị người bị ngộ độc, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc điều tra, xử lý vụ ngộ độc thực phẩm. 

    Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh phối hợp các đơn vị liên quan tại TP.Hội An điều tra nguyên nhân, lấy mẫu gửi Viện Pasteur Nha Trang để kiểm nghiệm, dự kiến có kết quả trong thời gian từ 7-10 ngày tới, theo Dân Việt.

    Bảo An(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phat-hien-mot-so-van-de-trong-khu-vuc-che-bien-cua-co-so-banh-mi-phuong-a591337.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan