+Aa-
    Zalo

    Phòng bệnh trong những ngày thời tiết lạnh giá

    (ĐS&PL) - Vào mùa Đông số bệnh nhân nhập viện vì các bệnh lý về đường hô hấp, tim mạch có xu hướng gia tăng. Vì vậy chủ động phòng tránh có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ chăm sóc sức khỏe người dân, nhất là người già yếu, trẻ em và những người có bệnh mãn tính về đường hô hấp, xương khớp…

    Sự thay đổi của thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió đã tác động rất lớn đến sức khỏe của mỗi người, làm suy giảm sức chống đỡ từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh bùng phát, nhất là các bệnh hô hấp, tim mạch, xương khớp cảm cúm…

    Người già, trẻ em, đặc biệt là những người có các bệnh lý hô hấp mãn tính như hen phế quản, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, giãn phế quản, cao huyết áp… là những đối tượng hay bị tái phát dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp tai biến mạch máu não đe dọa đến tính mạng con người.

    cach phong benh trong nhung ngay thoi tiet lanh gia1
    Nhiệt độ giảm mạnh, nhiều bệnh nhân vào cấp cứu tại Trung tâm A9 – Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Công an nhân dân

    Bên cạnh đó, việc nhiệt độ xuống thấp kéo theo những vấn đề liên quan đến ngộ độc khí do dùng than để sưởi ấm. Mới đây Bộ Y tế  đã yêu cầu các bệnh viện đảm bảo phương án chống rét cho người bệnh và người nhà; chuẩn bị đủ thuốc, vật tư y tế, để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp.

    Theo báo Công an nhân dân, tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trong những ngày trời rét đậm, nhiệt độ giảm sâu, bệnh nhân vào cấp cứu gia tăng cao, chủ yếu là ở nhóm đối tượng người cao tuổi, người có bệnh nền, cá biệt còn khá nhiều người trẻ mắc đột quỵ.

    Tại Trung tâm Cấp cứu A9, nhiều trường hợp vào cấp cứu trong tình trạng rất nặng. Ông Trần Viết Tị (72 tuổi, trú tại TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) mắc bệnh phổi tắc nghẽn hơn 10 năm nay, mỗi năm phải vào viện 3, 4 lần, nhiều nhất là mùa đông. Cách đây vài ngày, ông Tị bị ho, khó thở, phải vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình. Sáng 22/1, trời rét lạnh đột ngột, nhiệt độ giảm sâu, ông Tị không thể thở được. Tuy bệnh viện tỉnh đã cho ông thở oxy, song bệnh tình không thuyên giảm nên được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai.

    ThS.BS Nguyễn Minh Hiếu – Trung tâm Cấp cứu A9 cho biết, bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính kéo dài nên sau khi nhập viện sẽ được thở oxy gọng và tiếp tục điều trị triệu chứng như khí dung và thuốc giãn cơ. Sau đó, sẽ chuyển bệnh nhân đến Trung tâm Hô hấp để điều trị tiếp. Với những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, khi bị nhiễm lạnh, rất dễ tái phát và bội nhiễm viêm phổi khiến bệnh trở nặng nhanh.

    Được đưa vào Trung tâm Cấp cứu sáng 22/1, ông T.V.T (65 tuổi) ở trong tình trạng khó thở, cơn tắc nghẽn phổi cấp tính. Ông nhanh chóng được đặt máy thở để cấp cứu hồi sức tích cực. Ông T bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính đã lâu, trong đợt rét này, ông bất ngờ khó thở, suy hô hấp. “Đây là một trong nhiều trường hợp nguy kịch vì viêm phổi trên nền bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Khi bệnh nhân bị phổi tắc nghẽn mãn tính vào cấp cứu, nếu nặng bác sĩ phải nhanh chóng đặt ống nội khí quản, thở máy. Trong vài ngày tới, bệnh nhân có thể bình phục sẽ được rút máy thở”, BS Hiếu nói.

    cach phong benh trong nhung ngay thoi tiet lanh gia2

    Thời tiết giá lạnh, người dân ra đường cần che chắn kỹ cho cơ thể. Ảnh: Tuổi Trẻ

    Theo bác sĩ Hiếu, khi thời tiết lạnh sâu như hiện nay, bệnh nhân cấp cứu vì biến chứng do COPD tăng đột biến. Trung bình, Trung tâm cấp cứu A9 tiếp nhận 20 – 30 ca/ngày, trong đó 10% phải thở máy.

    PGS Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9 cho hay, xu thế hiện nay gia tăng các bệnh lý không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, đột quỵ, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Số ca cấp cứu nội khoa tại Trung tâm Cấp cứu A9 trong thời gian này chủ yếu là các bệnh lý xuất huyết tiêu hóa (do uống rượu, xơ gan vỡ tĩnh mạch thực quản), phổi tắc nghẽn mãn tính, đột quỵ, bệnh lý tim mạch (cơn tăng huyết áp, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim)... Đặc biệt, thời tiết lạnh sâu như hiện nay số ca bệnh liên quan tới đột qụy, huyết áp, hô hấp như phổi tắc nghẽn mãn tính tăng lên một cách đáng kể.

    Ông Phạm Văn M. (60 tuổi, Nam Định) được đưa vào cấp cứu trong tình trạng yếu chân tay, có dấu hiệu của đột quỵ. Người nhà ông M. cho biết, trời lạnh ông M. sáng sớm ra ngoài, sau đó về kêu rét, đau đầu, tê nửa người bên trái, gia đình cạo gió, sau đó đưa ông lên giường nghỉ. Nhưng càng lúc thấy ông càng yếu, nói khó, méo mồm, đã vội vàng đưa ông lên Bệnh viện Bạch Mai. “Bác sĩ chẩn đoán bị nhồi máu não nhưng may vẫn kịp giờ vàng”, vợ ông M. cho biết.

    Theo thống kê, ở nước ta mỗi năm có hơn 200.000 ca đột quỵ, trong đó số ca diễn biến xấu và cướp đi mạng sống, chiếm đến 50% đột quỵ, để lại nhiều di chứng nặng nề cho người bệnh. Theo nghiên cứu, có từ 60% - 70% bệnh nhân phải có sự trợ giúp của người thân trong sinh hoạt hàng ngày, trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội. Do đó, việc phát hiện sớm đột quỵ ở người già rất có lợi cho sức khỏe, có thể hạn chế di chứng về sau hoặc giảm nguy cơ tử vong.

    Cách phòng chống bệnh trong những ngày rét đậm, rét hại

    Để phòng, chống rét, đối với người già và trẻ em cần hạn chế đi ra ngoài trời khi thời tiết quá lạnh và gió mạnh, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 9 giờ đêm đến 6 giờ sáng; khi ra ngoài thì nên trang bị đủ trang phục ấm che chắn được gió lùa như áo khoác, quần dài đủ dày để giữ nhiệt, khăn choàng, mũ, găng tay, tất, khẩu trang...; luôn giữ cơ thể khô ráo, tránh bị ẩm ướt đặc biệt là vùng cổ, tay, chân mỗi khi ra đường và khi ngủ để hạn chế các bệnh do cảm lạnh… Mọi người cần tránh tiếp xúc với khói thuốc, khói bếp than, không nên uống rượu bia, đặc biệt là người dân ở miền núi cần chú ý vì uống rượu càng làm co thắt mạch máu gây tăng huyết áp, có thể dẫn tới đột quỵ, tử vong.

    Không nên tắm khuya sau 22 giờ, tắm quá lâu hoặc tắm nơi không kín gió vì dễ bị sốc nhiệt, nguy hiểm đến tính mạng; sử dụng nước ấm để tắm. Cần vệ sinh miệng, họng sạch sẽ thường xuyên hằng ngày; thường xuyên rửa tay với xà-phòng để loại bỏ vi khuẩn; tiêm vắc-xin để phòng ngừa bệnh cúm; ăn, uống đủ chất bảo đảm năng lượng cho cơ thể chống rét (trong bữa ăn hằng ngày cần bổ sung đầy đủ 4 nhóm chất cơ bản: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất).

    Đối với người lao động nặng, người cao tuổi, trẻ em cần cung cấp lượng tinh bột, chất đạm, chất béo, vi-ta-min nhiều hơn so với những mùa khác nhằm tăng cường nhiệt lượng cho cơ thể chống rét, đặc biệt là bổ sung vi-ta-min A, C để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Tránh ăn uống đồ lạnh, đồ ăn vừa lấy từ tủ lạnh ra vì dễ làm cơ thể nhiễm lạnh. Những người bị cao huyết áp, mắc các bệnh tim mạch, mắc các bệnh hô hấp mạn tính, cơ xương khớp... phải chú ý tuân thủ nguyên tắc dùng thuốc, có chế độ vận động và dinh dưỡng hợp lý theo hướng dẫn của bác sĩ...

    Đối với những người phải làm việc trong thời tiết lạnh, nếu phải làm việc ngoài trời cần giữ ấm cơ thể và làm việc với cường độ chậm; giữ người, tay chân khô ráo, tránh ẩm ướt đặc biệt công nhân làm việc ngoài trời, trong hầm lò…; đeo khẩu trang trong khi làm việc để bảo vệ đường hô hấp. Những ngày mưa rét, làm việc ngoài trời, phải trang bị và sử dụng đầy đủ đồ bảo hộ lao động: áo mưa, mũ, găng tay đệm bông và lớp ngoài chống nước; giày ủng ấm và chống nước... vì quần áo, đầu tóc ướt sẽ làm mất nhiệt nhanh chóng khiến cơ thể bị nhiễm lạnh. Trong lúc lao động, nếu thấy người nóng lên thì nên cởi bớt áo dần dần...

    Cục Quản lý môi trường y tế lưu ý người dân khi xuất hiện các triệu chứng: đau đầu, chóng mặt, tức ngực, khó chịu, tê bì chân tay... cần giữ ấm cơ thể ngay và đến cơ sở y tế kiểm tra sức khỏe. Thời tiết lạnh gây tăng thêm gánh nặng cho tim do vậy với người bị bệnh tim, huyết áp nên khám và làm theo lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa; nên kiểm tra, theo dõi huyết áp thường xuyên kể cả người trẻ, người chưa có tiền sử bệnh lý tim mạch, huyết áp… Khi tiếp xúc kéo dài với nhiệt độ rất lạnh có thể gây giảm thân nhiệt, nhất là người già, gầy ốm, bị bệnh mãn tính, trẻ em suy dinh dưỡng, trẻ sơ sinh. Run rẩy là một dấu hiệu quan trọng đầu tiên cho thấy cơ thể đang mất nhiệt vì vậy cần phải sưởi ấm ngay; khi bị nhiễm lạnh xuất hiện ho, sốt cần đi khám bác sĩ để có chẩn đoán và điều trị phù hợp, theo báo Nhân Dân.

    Thùy Dung (T/h)

     

     

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phong-benh-trong-nhung-ngay-thoi-tiet-lanh-gia-a608414.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan