+Aa-
    Zalo

    Sơ phác tiềm lực tập đoàn đề xuất xây khu công nghiệp hơn 200 ha tại Đồng Nai

    (ĐS&PL) - Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Mai mới đây đề xuất thành lập một khu công nghiệp chuyên về sản xuất đồ gỗ với diện tích hơn 200 ha tại huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai).

    Báo Đầu tư dẫn thông tin từ UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, ngày 20/10, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh làm việc với Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Mai về việc thành lập một khu công nghiệp chuyên về sản xuất đồ gỗ.

    Tại buổi làm việc, Tập đoàn Tân Mai đề xuất UBND tỉnh Đồng Nai cho phép doanh nghiệp nghiên cứu, thành lập một Khu công nghiệp tập trung với diện tích hơn 200 ha tại huyện Vĩnh Cửu để phục vụ sản xuất riêng cho ngành gỗ ở Đồng Nai.

    Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị UBND tỉnh, các đơn vị liên quan cùng doanh nghiệp làm việc cụ thể, trong đó lưu ý xem xét kỹ về pháp lý quy hoạch, đất đai, năng lực của nhà đầu tư, chiến lược phát triển của địa phương cũng như những vấn đề khác có liên quan.

    tiem luc tap doan de xuat xay kcn hon 200ha tai dong nai
    Tập đoàn Tân Mai đề xuất xây KCN hơn 200ha tại Đồng Nai.

    Theo thông tin trên Tri thức & Cuộc sống, Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Mai (Tân Mai Group) tiền thân là Công ty Kỹ nghệ Giấy Việt Nam (COGIVINA), được thành lập ngày 14/10/1958, thuộc sở hữu Nhà nước, cổ phần hoá vào năm 2006.

    Tháng 12/2008, tập đoàn được thành lập trên cơ sở hợp nhất 2 công ty là Công ty cổ phần Giấy Tân Mai và Công ty cổ phần Giấy Đồng Nai, với vốn điều lệ hơn 890 tỷ đồng. Hiện tập đoàn này đang sở hữu rất nhiều đất đai làm nhà máy, khu trồng cây nguyên liệu tại Đồng Nai, Bình Dương và một số tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

    Tháng 12/2019, đại gia Lê Thành đã mua lại hơn 55 triệu cổ phần của Tân Mai Group, tương đương tỷ lệ sử hữu 61,47% trở thành cổ đông lớn. Tháng 1/2020, ông Thành được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tân Mai Group nhiệm kỳ 2020 - 2024.

    Tập đoàn Tân Mai hiện có 8 đơn vị thành viên gồm chi nhánh Đắk Lắk, xí nghiệp lâm nghiệp Đắk Nông, chi nhánh Đông Nam Bộ, chi nhánh Lâm Đồng, Công ty cổ phần Tân Mai Tây Nguyên, Công ty cổ phần Tân Mai Miền Đông, Công ty cổ phần Tân Mai Miền Trung và Công ty cổ phần Tân Mai Lâm Đồng.

    Theo báo Pháp luật Việt Nam, doanh nghiệp của vị đại gia sinh năm 1974 cũng thực hiện hợp tác đầu tư khai thác lâm nghiệp và các dự án bất động sản dựa trên quỹ đất “khủng” mà công ty sở hữu tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, hầu hết các dự án này đều chưa nên hình hài hoặc dưới dạng góp vốn với doanh nghiệp khác.

    Vào giai đoạn 2016 - 2017, Tập đoàn Tân Mai góp 3 khu đất rộng hàng trăm nghìn mét vuông từng là nhà máy tại Đồng Nai và Bình Dương để lập các doanh nghiệp bất động sản, sau đó chuyển nhượng lại cho chính các cổ đông trong liên danh.

    Điểm chung tại phần lớn dự án này là việc Tân Mai Group tham gia góp quyền thuê, quyền sử dụng đất để nắm giữ 30% vốn trong liên danh, trong khi đối tác sẽ góp 70% vốn bằng tiền mặt để đầu tư xây dựng dự án.

    Tập đoàn Tân Mai là một trong những tên tuổi hàng đầu của ngành sản xuất giấy Việt Nam với quỹ đất rừng hàng nghìn ha. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp trong vài năm trước đây kém khả quan.

    Trong năm 2019, Tân Mai Group lỗ trước thuế hơn 15 tỷ đồng, lỗ sau thuế hơn 12,5 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2019, Tân Mai Group nợ hơn 7.840 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ 890 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn có 8 khoản vay quá hạn với tổng nợ gốc hơn 2.000 tỷ đồng, tiền lãi hơn 3.000 tỷ đồng, trong khi tiền mặt và khoản tương đương tiền chỉ hơn 43,1 tỷ đồng…

    Theo Thông báo số 9896/TB-CTDON của Cục Thuế tỉnh Đồng Nai về việc công khai danh sách người nộp thuế nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước, tính đến ngày 31/7, có 117 người nộp thuế còn nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước, với tổng số tiền nợ hơn 809 tỷ đồng. Trong danh sách có sự góp mặt của Tập đoàn Tân Mai nợ hơn 39 tỷ đồng.

    Trước đó, doanh nghiệp thường xuyên xuất hiện trong danh sách nợ thuế của Cục Thuế tỉnh Đồng Nai.

    Cụ thể, trong đợt công bố đến cuối tháng 5/2021, doanh nghiệp này nợ hơn 35,9 tỷ đồng. Năm 2019, nợ khoảng 32 tỷ đồng. Năm 2018 nợ trên 60 tỷ đồng. Tháng 6/2017 nợ trên 47 tỷ đồng. Tháng 12/2016 nợ hơn 51 tỷ đồng. Tháng 12/2015 nợ trên 63,7 tỷ đồng.

    Ngoài việc nợ thuế như đã nêu, Tập đoàn Tân Mai cũng từng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt gần nửa tỷ đồng do vi phạm lĩnh vực chứng khoán.

    Theo đó, năm 2021, Tập đoàn Tân Mai bị phạt tiền 125 triệu đồng do thực hiện phát hành thêm cổ phiếu nhưng không đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Ngoài hành vi trên, Tập đoàn Tân Mai còn bị phạt tiền 350 triệu đồng do không đăng ký giao dịch chứng khoán, theo Tuổi trẻ Thủ đô.

    Vân Anh (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/so-phac-tiem-luc-tap-doan-de-xuat-xay-khu-cong-nghiep-hon-200-ha-tai-dong-nai-a596443.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Gây thất thoát hơn 1.350 tỷ, cựu giám đốc Ngân hàng Nhà nước ở Đồng Nai chuẩn bị hầu tòa

    Gây thất thoát hơn 1.350 tỷ, cựu giám đốc Ngân hàng Nhà nước ở Đồng Nai chuẩn bị hầu tòa

    Mới đây, TAND tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định đưa vụ án liên quan đến sai phạm xảy ra tại Ngân hàng nhà nước, chi nhánh Đồng Nai làm thất thoát số tiền hơn 1.350 tỷ đồng ra xét xử vào ngày 25/10. Cựu giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai sẽ hầu tòa cũng đồng phạm về tội thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng.