+Aa-
    Zalo

    Sự thật bất ngờ sau cánh cổng trường đào tạo trung cấp Y

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Thông tin trên trang web của cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, hiện tại đang có một hệ thống đào tạo bao phủ trên khắp cả nước...

    (ĐSPL) - Thông tin trên trang web của cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, hiện tại đang có một hệ thống đào tạo bao phủ trên khắp cả nước, bao gồm các trường đại học, cao đẳng và trung cấp.
    Hầu hết các tỉnh có một trường cao đẳng hoặc trung cấp. Chất lượng đào tạo vẫn là một dấu hỏi lớn khi mà đầu vào hệ trung cấp chỉ là tốt nghiệp cấp 2, bổ túc văn hoá.
    Xét tuyển đầu vào dựa trên học bạ các môn Toán, Hoá, Sinh là tiêu chí của hầu hết các trường trung cấp trong thông báo tuyển sinh phát đi. Nhưng, với những trường mang tính đặc thù như ngành Y, việc xét tuyển đầu vào của họ lại dễ đến không ngờ.
    Ra tận cổng đón học sinh!
    Chưa bao giờ việc tìm một cơ sở đào tạo chuyên ngành chăm sóc sức khoẻ hệ trung cấp lại dễ dàng như hiện nay. Chỉ cần gõ “đào tạo trung cấp Y, Dược” vào công cụ tìm kiếm, trong vòng chưa đầy 0,5 giây đã cho ra khoảng 710.000 kết quả liên quan đến thông tin đào tạo Y, Dược. Giữa “một rừng” các thông tin trên mạng, chúng tôi quyết định đến một vài cơ sở đào tạo để biết thực hư việc xét tuyển học bạ của các trường đào tạo chuyên ngành liên quan trực tiếp đến việc chăm sóc sức khoẻ người dân khi ra trường.

    Một trong những địa điểm tuyển sinh của trường trung cấp Nghề và Y tế P. tại Hà Nội.

    Trong vai một học sinh có nhu cầu học ngành điều dưỡng, chúng tôi tìm đến văn phòng tuyển sinh của trường trung cấp Công nghệ và Y tế P. tại ngõ 172 Thái Thịnh, Hà Nội. Tuy nhiên, trái với thông tin ghi trên một trang web, địa chỉ này là ngôi nhà riêng 5 tầng khang trang và không có “dấu hiệu” gì là địa điểm của một văn phòng tuyển sinh.
    Tiếp tục liên lạc với số điện thoại trực tuyển sinh, người này cho biết, địa chỉ đã được chuyển đến một địa điểm khác cũng nằm trên phố Thái Thịnh và người tư vấn tuyển sinh của văn phòng cũng đã là người khác. Chúng tôi liên lạc với số điện thoại mới 0904xxxxxx, trực tư vấn tuyển sinh, rất nhanh chóng, anh M. người phụ trách tuyển sinh tại đây giới thiệu cho chúng tôi gặp chị H., người đang ngồi tư vấn trực tiếp tại văn phòng. Anh M. còn nhắn nhủ: “Nếu gặp cô H. mà em còn khúc mắc gì, cứ gọi cho thầy”. Trước sự nhiệt tình của người tư vấn, tôi cảm thấy an tâm tìm đến địa chỉ mới.
    Ít phút sau, đích thân cô H. gọi lại và ra tận cổng đón tôi vào văn phòng tuyển sinh của trường. Nó nằm gọn lỏn trong trường cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội. Theo sự phân trần của cô H. thì, văn phòng tuyển sinh của nhà trường chuyển địa điểm vào trong trường cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội cho học sinh dễ tìm!

    Hồ sơ có kết quả các môn xét tuyển đầu vào “đì đẹt” vẫn có thể yên tâm được nhập học.

    Chúng tôi len qua nhà để xe, qua một khung cửa sắt rào chắn ngang sân để vào văn phòng tuyển sinh của trường. Niềm nở tư vấn và giải đáp mọi thắc mắc của tôi, cô H. cho biết: “Trường tuyển sinh và mở lớp liên tục trong năm, bất cứ khi nào em có nhu cầu đều có thể nhập học. Vì chương trình học theo tín chỉ nên em nhập học sớm thì sẽ được nhận bằng sớm.”.
    Tôi thật thà trình bày là tôi tốt nghiệp hệ bổ túc văn hoá và học bạ không được “đẹp lắm”! Đặc biệt là điểm 3 môn Toán, Hoá, Sinh của tôi khá “đì đẹt”, chưa được 5 phẩy. Tôi băn khoăn, với quy chế tuyển sinh của trường là xét học bạ, liệu tôi có qua vòng xét tuyển và đủ điều kiện nhập học? Ngay lập tức, cô H. trấn an sự băn khoăn của tôi bằng khẳng định: “Đó là quy định thôi! Chỉ cần em tốt nghiệp phổ thông là đủ điều kiện nhập học rồi!”.
    Cô H. còn “khuyến mãi” cho tôi một bộ hồ sơ nhập học và không quên nhấn mạnh: “Thầy M. không cho phép thu bất kỳ loại phí nào của học sinh đến đăng ký nhập học ngoài các loại tiền theo quy định cứng của nhà trường. Hồ sơ nhập học cũng được văn phòng phát miễn phí. Ở nơi khác, họ sẽ thu của em khoảng 30.000 đồng đến 40.000 đồng đấy”.
    Những dấu hỏi lớn
    Chỉ ít lâu sau, nhân viên tư vấn tuyển sinh của trường trung cấp Nghề và Y tế P. lại tiếp tục gọi điện cho tôi, thông báo là trường sắp mở lớp mới, “vì đã gần đủ học sinh, chị gọi điện thông báo cho em. Em muốn có bằng sớm thì nhập học luôn nhé!”, nhân viên tư vấn H. thông báo.
    Xem thêm video: Hướng dẫn ghi phiếu đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2015.

    Lấy lý do là gia đình còn đang băn khoăn, cho tôi theo học chương trình điều dưỡng hay y sỹ nên chưa nộp hồ sơ dịp này, chị H. tiếp tục: “Em và gia đình cứ suy nghĩ kỹ đi, tháng sau có lớp mới chị sẽ thông báo lại”. Quả thật, sự tận tình của nhân viên ở đây khiến cho tôi không khỏi nghĩ thầm: “Giá mà tất cả các trường học công lập cũng tận tình vậy thì học sinh và gia đình sẽ vui đến mức nào”.
    Theo lý giải của nhân viên tư vấn tuyển sinh thì trường đào tạo theo hình thức tín chỉ nên các lớp học sẽ được mở liên tục để tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh. Các môn học cũng sẽ được mở liên tục để giúp các em sớm hoàn thành chương trình đào tạo. Xin phép về nhà để suy nghĩ, chúng tôi lại lách qua cánh cửa sắt ngăn cách giữa phòng tuyển sinh và khu vực để xe trong trường cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội ra về.
    Tiếp tục tìm hiểu, PV tìm thấy nhiều cơ sở tuyển sinh đầu vào trung cấp Y, dễ không kém trường trung cấp Công nghệ và y tế P.. Trên trang web trungcapykhoa.com, trường trung cấp Y khoa P. nhấn mạnh: “Y dược là một ngành đặc biệt, sinh viên Y Dược cần được tuyển chọn và đào tạo bài bản để góp phần phát triển nguồn nhân lực cho ngành y tế có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân dân”.
    Tuy nhiên, nhìn vào đầu vào “èo uột” trong thông báo về thời gian đào tạo trung cấp Y Dược, trường trung cấp Y khoa P. thông báo thời gian học cụ thể là 3 năm với đối tượng là học sinh tốt nghiệp THCS. Học viên được học bổ sung văn hoá để hoàn thiện chương trình THPT. Học 2 năm 3 tháng với đối tượng học xong lớp 12, trượt tốt nghiệp THPT, BTVH... Khó ai có thể dám chắc, qua khoảng 2 năm đào tạo, trường này sẽ cho “ra lò” nguồn chất lượng cao như mong muốn. Chuẩn đầu vào này không chỉ của một vài trường mà chúng tôi trực tiếp đến nghe tư vấn tuyển sinh. Đây còn là “chuẩn” vào của hầu hết hệ trung cấp các trường có đào tạo chuyên ngành điều dưỡng.
    Không những ồ ạt tuyển người học, mà chỉ khi học sinh có nhu cầu, các trường còn tạo điều kiện cho học sinh bằng cách mở lớp học ban ngày; buổi tối; học ngày thứ Bảy, Chủ nhật. Các nhân viên tư vấn còn nhấn mạnh sự “linh động” của văn phòng tuyển sinh bằng việc “tối giản hoá” các loại hồ sơ khi sinh viên bắt đầu nhập học.
    “Em có thể bổ sung các loại giấy tờ theo quy định sau. Cốt yếu nhất là em phải có giấy chứng nhận tốt nghiệp hoặc bản sao có công chứng bằng tốt nghiệp để có thể nhập học kịp với khoá mở sớm nhất năm 2015”, người trực tiếp tư vấn tuyển sinh của trường trung cấp Công nghệ và Y tế P. hối giục tôi. Lấy lý do, tôi cần hỏi thêm ý kiến của bố mẹ là nên học trường trung cấp Y ở tỉnh hay quyết định học trên Hà Nội để xem xét trước khi nộp hồ sơ và học phí để ra về. Nhân viên tuyển sinh không quên nhắn lại là sẽ liên lạc lại khi có lớp mở mới vào tháng sau.
    Tại hội nghị triển khai công tác y tế năm 2015 và phương hướng công tác giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp tục đưa ra cảnh báo, với tình hình hiện nay, trong vài năm tới, ngành y tế sẽ rơi vào tình trạng thừa nhân lực (dược, điều dưỡng, y sỹ). Được biết trước đó, vào tháng 8/2013, bộ Y tế cũng đã có công văn gửi đến bộ Giáo dục và Đào tạo về công tác đào tạo nhân lực y tế. Trong công văn, Thứ trưởng bộ Y tế Lê Quang Cường khẳng định: “Hiện nay trên thực tế, có nhiều cơ sở đào tạo trong và ngoài công lập, kể cả các trường đào tạo đa ngành cũng tham gia đào tạo nhân lực ngành y tế”.

    HẰNG MAI

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/su-that-bat-ngo-sau-canh-cong-truong-dao-tao-trung-cap-y-a89788.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan