+Aa-
    Zalo

    Tấm gương đánh giặc giỏi, làm giàu cũng giỏi của một cựu binh

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Đội trưởng Đặc công K20 Lê Văn Nuôi là cái tên xuất sắc trong lịch sử Biệt động thành Đà Nẵng.

    Đội trưởng Đặc công K20 Lê Văn Nuôi là cái tên xuất sắc trong lịch sử Biệt động thành Đà Nẵng. Hai lần trở về từ cõi chết, khép lại ký ức thời hoa lửa, người cựu binh già trở thành bác nông dân giỏi làm giàu giữa thời bình.

    Đánh giặc giỏi, làm giàu cũng giỏi

    Tháng Mười, mảnh đất La Trung, xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đang độ vào mùa ngô. Nhà nhà, người người tất bật việc đồng trưa. Theo chân cựu binh Lê Văn Nuôi (66 tuổi), chúng tôi dạo bước con làng nhỏ nằm quanh triền đê.

    Cũng như bao người lính, ngày thống nhất non sông, ông Nuôi trở về với cuộc sống thời bình. Chiến tranh khiến thân hình ông không lành lặn. Chân phải bị cưa cụt, vết thương xếp vào hạng 2/4. Nhưng, quả thật, “tàn không phế, những gì ông làm được đến ngày hôm nay là quá đỗi phi thường.

    Khoảng năm 80 của thế kỷ trước, người cựu binh không lành lặn đã táo bạo dành toàn bộ 7 sào đất đang cho vụ lúa bội thu vào trồng dâu nuôi tằm. Tuy nhiên, hơn 10 năm lận đận với những cánh đồng dâu, cuộc sống của ông Nuôi vẫn mãi bấp bênh. “Tôi nghĩ mãi, phải làm gì, trồng gì mới thoát khổ. Cuối cùng thì rẽ hướng sang đào ao nuôi cá”, ông Nuôi chia sẻ.

    Cựu binh Lê Văn Nuôi.

    Theo lời người cựu binh, quyết định đường đột này của ông vấp phải nhiều la rầy, can ngăn của người thân. Bởi xưa nay, cả làng xã chẳng ai làm cái việc ấy bao giờ. Đào ruộng nuôi con cá, lỡ có bề gì thì lấy thóc lúa đâu ăn. Nhưng ông vẫn quyết tâm. Ông dốc hết gia sản 10 cây vàng của mình ra đào ao ở ruộng lúa thả cá. Thế là 2 ao cá diện tích 1 ha mọc lên giữa cánh đồng lúa bao la. Mẻ cá giống đầu tiên với số lượng hàng vạn con bỗng dưng chết hàng loạt.

    Thấy ông thất bại, làng xóm càng được thể trách móc, vợ con ông hoảng hốt, bần thần. Còn ông thì không đêm nào ngủ được. Gia sản ky cóp bao lâu đã bị ông đổ xuống sông xuống bể.

    “Hồi đó, áp lực lắm. Khi trấn tĩnh lại, tôi đi tìm nguyên nhân. Cuối cùng, phát hiện ra rằng, do thiếu oxi. Tôi chỉ đơn giản là đào ao thả mà thiếu sự đầu tư nghiêm túc. Cá nuôi là cá giống không phù hợp với môi trường tự nhiên. Chấp nhận thất bại để đổi lấy bài học đắt giá, tôi vay mượn dốc công đầu tư lứa cá giống mới. Bao công sức cùng sự quyết tâm rốt cuộc cũng được đền đáp”, ông Nuôi nhớ lại.

    Mẻ cá giống với đủ loại cá trê, rô phi, chép, mè... xuất ao sau 8 tháng thả nuôi đã mang về khoản thu 70 triệu đồng cho người cựu chiến binh kiên cường. Từ đó đến nay, mỗi năm trôi qua, những ao cá lớn mang về hàng trăm triệu đồng thu nhập cho gia đình ông. Không những vậy, ông tiếp tục học hỏi đầu tư nuôi yến, trồng keo...

    Tiếng tăm làm kinh tế của ông dần dần được nhiều người biết đến. Ông được UBND tỉnh Quảng Nam trao tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh”... Không chỉ làm giàu cho bản thân, trong những năm qua, ông Nuôi hướng dẫn cho không ít đồng đội, bà con trong thôn chuyển hướng làm ăn và khấm khá hơn nhờ nuôi cá.

    Ký ức một thời oanh liệt

    “Bom đạn quân thù không khiến mình gục thì thời bình rồi việc gì mình không thể làm cơ chứ” - nói đoạn người cựu bình già nắm tay tôi kéo vào phòng làm việc của ông.

    Tại đây, trong căn phòng nhỏ, gọn gàng, bốn bề treo đầy những bằng khen. Hai danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp 3; 10 danh hiệu Dũng sĩ quyết thắng cấp 1, 2, 3; Hai huân chương Chiến công giải phóng hạng 3; Một Huân chương kháng chiến hạng 3; Huân chương chiến sĩ giải phóng hạng 3 cùng nhiều kỷ niệm chương do Nhà nước phong tặng.

    Nhấp tiếp ngụm trà đặc, tôi thấy mắt ông nhíu lại. Sự quắc thước, uy nghi của người lính hiện rõ. Bất giác tôi cúi xuống nhìn đôi chân không vẹn nguyên của người chiến sĩ kiên trung. Và tôi hiểu, chiến tranh khốc liệt đã vĩnh viễn lùi xa về quá khứ, nhưng những vết tích, tàn dư của một thời máu lửa vẫn còn đó, đeo đẳng và khắc khoải khôn nguôi. Thăm thẳm trong hồi ức của cựu binh là làn khói bom đạn, chiến tranh vẫn hiện về.

    Ông kể rằng, ông tham gia cách mạng từ năm 1968, thuở ông mới 16 tuổi. Sau đúng 2 năm sau hoạt động, ông được cấp trên phân công đảm nhận chức vụ Đội trưởng đội Đặc công K20A. Người đội trưởng với tuổi đời còn non trẻ này chính là thủ lĩnh chỉ huy trận đánh gây tiếng vang lớn ở TP. Đà Nẵng diễn ra vào cuối năm 1970. Đội đặc công K20A của ông thời đó chuyên hoạt động tại 1 quận của Đà thành.

    Một trong những trận đánh nổi tiếng của K20A do Lê Văn Nuôi chỉ huy trực tiếp đó là trận đánh ngày 1/12/1970. Khi đó, Đội trưởng đặc công Lê Văn Nuôi cùng đồng đội gồm 4 người chia thành 4 mũi giáp công, tấn công vào 4 cánh khiến địch rối loạn hàng ngũ, đồng thời tấn công nhiều mục tiêu tại khu phố Thanh Khê. Cuối cùng, 15 tên địch, 2 xe quân sự, 1 đồn cảnh sát và một nhà máy đèn bị tiêu diệt.

    Quan trọng hơn nữa, trận đánh góp phần giúp bộ đội chủ lực của ta lui về địa bàn cách mạng. Đây cũng là trận đánh hợp đồng tác chiến trong lòng địch một cách xuất sắc thời bấy giờ, được ghi vào lịch sử Tự vệ - Biệt động thành Đà Nẵng và nhiều tài liệu khác như: Lịch sử Đảng bộ TP. Đà Nẵng giai đoạn 1930 - 1975, Lịch sử Lực lượng vũ trang TP. Đà Nẵng... Chiến công vang lừng khiến tên tuổi đặc công Lê Văn Nuôi lọt vào tầm truy xét gắt gao của địch. Tháng 3/1971, ông bị địch phục kích và bắt giam.

    “Tại nhà lao Điện Bàn, tôi hứng chịu những màn tra tấn vô cùng tàn độc. Hết bị đánh bằng roi điện với bao phen ngất đi tỉnh lại, tôi bị đổ xà phòng vào miệng và tưởng chừng không thể sống nổi. Ngót một tháng chịu cảnh tù đày, bị tra tấn dã man, đợi tới thời cơ chín muồi, tôi quyết tâm vượt ngục”, ông Nuôi hồi tưởng.

    Thời điểm này, ở bên ngoài đồng đội tưởng ông đã hy sinh nên đào mộ huyệt. Thế nhưng, với bản lĩnh dày dạn, ông lợi dụng sơ hở của bọn lính gác, xé toạc 11 lớp lưới rào bằng sắt, phá dỡ 1 bãi mìn ở nhà lao Điện Bàn và vượt ngục trở lại căn cứ cách mạng. Trận vượt ngục không tưởng này của người lính đặc công khiến địch mắt tròn mắt dẹt.

    Trở về từ cõi chết, ông tiếp tục móc nối lại mắt xích cách mạng. Đại đội của ông tham gia chiến dịch K850 (hè 1971). Lần này, ông không may giẫm phải mìn trên đường đi chiến dịch, mất chân phải, sau đó suýt mất mạng vì bị nhiễm trùng.

    Nhớ lại ngày ấy, ông kể: “Đúng 1 tháng sau, vết thương bị nhiễm trùng uốn ván. Lúc ấy, chân tay tôi lạnh ngắt, cứng đơ. Ai cũng tin rằng tôi sẽ chết. Đồng đội bắt đầu đào huyệt và đưa tôi đi chôn. Đúng lúc mọi người đang lấp đất thì thấy tôi vẫn còn thoi thóp. Đồng đội đậy lá chuối lên người rồi theo dõi. Đúng 7 ngày sau, tôi dần hồi tỉnh. Chứng kiến điều kỳ diệu này, hết thảy đồng đội reo vui”, ông Nuôi thuật lại.

    Vậy là, hai lần trở về từ cõi chết, hai lần mộ huyệt không chôn nổi người đặc công kiên cường. Sau khi vết thương lành, ông tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng.

    Nhâm Thân

    Bài đăng báo giấy Đời sống & Pháp luật số 166
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tam-guong-danh-giac-gioi-lam-giau-cung-gioi-cua-mot-cuu-binh-a297491.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan