+Aa-
Zalo

Thu tiền tỷ từ dòng suối nước lạnh dưới chân núi Pù Rinh

  • DSPL

(ĐS&PL) - Từ dòng suối nước lạnh hiếm gặp, cộng thêm bàn tay, khối óc, nghị lực vươn lên, ông Sâm đã thành công với mô hình nuôi cá tầm, cá hồi…, mang lại thu nhập tiền tỷ.

Từ dòng suối nước lạnh hiếm gặp, cộng thêm bàn tay, khối óc, nghị lực vươn lên, ông Sâm đã thành công với mô hình nuôi cá tầm, cá hồi…, mang lại thu nhập tiền tỷ cho gia đình và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Ông Hà Khắc Sâm bên con cá tầm thương phẩm đến thời kỳ xuất bán của mình.

Bỏ xây dựng chuyển sang nuôi cá

Năm 2009, sau quá trình khảo sát, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa nhận thấy, dòng suối nước lạnh dưới chân núi Pù Rinh (thuộc địa phận thôn Năng Cát (xã Trí Nang, Lang Chánh, Thanh Hóa) phù hợp nuôi các loài cá đặc sản nước lạnh (cá tầm, cá hồi, cá trắng châu Âu). Để tận dụng sự ưu đãi của thiên nhiên, sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng phương án thử nghiệm nuôi cá hồi, cá tầm tại chân núi Pù Rinh và giao cho công ty TNHH Hà Dương do ông Hà Khắc Sâm, trú tại huyện Lang Chánh thực hiện.

Là một doanh nghiệp làm nghề xây dựng, ông Sâm chỉ biết tới các loại cá đặc sản nước lạnh qua các phương tiện thông tin đại chúng và báo chí, chứ chưa từng được “mục sở thị”. Sau khi hạ quyết tâm, được huyện Lang Chánh “chọn mặt gửi vàng”, ông Sâm đã “khăn gói” lên đường lặn lội ra các trang trại nuôi cá tầm, cá hồi tại Sa Pa (Lào Cai) để tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm nuôi những loài cá này.

Đầu năm 2010, khi đã nắm bắt được kỹ thuật nuôi cá, chuẩn bị được một ít vốn liếng, ông Sâm quyết định mở đường vào chân núi Pù Rinh để xây dựng bể nuôi, hệ thống dẫn nước, đập dâng... Ban đầu, ông Sâm cho xây 3 bể nuôi với tổng diện tích 300m2 , phía trong mặt bể được ốp bằng inox, làm mái che phía trên các bể, ngăn suối làm đập dâng dẫn nước về bể cá. Chi phí đầu tư ban đầu để nuôi lứa cá đầu tiên đã ngốn của ông Sâm gần 3 tỷ đồng.

Hệ thống bể nuôi cá tầm, cá hồi của ông Sâm tại chân núi Pù Rinh.

Lứa đầu tiên, ông Sâm đầu tư khoảng 400 triệu đồng để nuôi 6.000 con cá giống. “Mỗi cân thức ăn cho cá hồi ở thời điểm đó được nhập từ nước ngoài về với giá rất đắt đỏ, nhưng nhiều lúc khan hiếm hàng không có mà mua khiến cá phải nhịn ăn cả tuần. Mà cũng lạ, giống cá này có thể nhịn đói đến chết chứ nhất định không ăn thức ăn nào khác”, ông Sâm kể.

Vươn lên từ thất bại

Gần một năm sau, trang trại cá hồi của ông Sâm bắt đầu xuất bán lứa đầu tiên, với trọng lượng đạt trên dưới 1kg. Do chưa có kinh nghiệm, chi phí đầu vào quá lớn, tỉ lệ sống sót và phát triển của cá không cao đã làm cho giá thành sản xuất cá hồi thương phẩm bị đẩy lên cao, trong khi địa bàn tỉnh Thanh Hóa chưa có nguồn tiêu thụ ổn định. Trước tình hình đó, ông Sâm đã quyết định vận chuyển cá ra Hà Nội bán, nhưng đường xa, tỉ lệ cá chết nhiều nên lợi nhuận không được như mong muốn.

Khi đang loay hoay với đầu ra cho lứa cá đặc sản đầu tay thì tai ương bỗng ập đến. Cuối năm đó, một trận mưa lớn khiến nước suối bất ngờ dâng cao, tràn vào các bể nuôi cá của gia đình. Đàn cá từ trong bể được nước bơi ra suối trôi dạt đi về xuôi, số còn lại do không chịu được môi trường nước mưa bị đục, không có thức ăn nên chết sạch. Bao nhiêu công sức, tiền của trong một chốc lát theo con nước đổ xuống sông, xuống biển.

“Hơn 7 tấn cá hồi đến thời kỳ thu hoạch bơi theo dòng suối đi mất. Số còn lại khoảng 2 tạ chết trắng bụng, do nước lũ dâng cao không vận chuyển ra khỏi bản được nên tôi mổ bụng, lấy ruột rồi dùng muối trắng muối lên ăn dần. Tiếc của, vợ tôi ốm cả tháng trời vì công sức làm lụng, tích góp 2 năm trời trong chốc lát đi theo dòng suối. Vợ chồng tôi trở thành kẻ trắng tay, nhiều người thương cảm, động viên nhưng cũng không ít lời ra tiếng vào cay đắng”, ông Sâm nhớ lại.

Sau thất bại đầu tiên, được sự động viên, hỗ trợ của chính quyền địa phương, bạn bè, người thân, vợ chồng ông Sâm có thêm nghị lực đứng dậy, bắt tay làm lại từ đầu. Sau khi vay một tỷ đồng từ ngân hàng, ông Sâm đầu tư xây dựng thêm 6 bể nuôi cá thương phẩm và 5 bể ươm cá giống. Lần này, ngoài 4.000 con cá hồi, ông đã mua thêm 10.000 con cá tầm về nuôi.

Trời không phụ công người, do đúc rút được kinh nghiệm từ vụ nuôi trước, lần này tỉ lệ cá sống cao, sinh trưởng và phát triển tốt. Do các doanh nghiệp trong nước đã sản xuất được thức ăn nên giá thành sản xuất được hạ xuống. Cuối vụ nuôi, ông Sâm đã xuất bán hết số cá cho các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thu về trên 2 tỷ đồng.

Sau gần 10 năm với biết bao tâm huyết, trải qua nhiều thất bại, hiện tại trang trại của gia đình ông Sâm đã lên tới 9 bể nuôi với hơn 2 vạn con cá hồi, cá tầm và cá trắng châu Âu. Giá bán tại trang trại khoảng 400.000 đồng/kg cá hồi, 250.000 đồng/kg cá tầm. Tổng doanh thu từ nuôi cá nước lạnh của gia đình ông Sâm mỗi năm đạt trên 2 tỷ đồng và tạo ra công ăn việc làm cho gần 10 lao động là người dân bản địa.

"Nuôi cá tầm không phải quá khó. Tuy nhiên, khi mới bắt đầu nuôi phải chú ý một số kỹ thuật về nhiệt độ nước, thức ăn, vệ sinh bể nuôi hằng ngày... Mô hình cá tầm của ông Sâm trên núi Pù Rinh được tỉnh Thanh Hóa rất quan tâm đầu tư và là hướng đi cho các huyện miền núi Xứ Thanh thoát nghèo"- Ông Lương Văn Phúc – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lang Chánh.

Xuân Chinh

Bài đăng trên ấn phẩm Tạp chí Đời sống& Pháp luật số Thứ 3 (204)

Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thu-tien-ty-tu-dong-suoi-nuoc-lanh-duoi-chan-nui-pu-rinh-a350661.html
Zalo

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

Đã tặng:
Tặng quà tác giả
BÌNH LUẬN
Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục
Nổi bật trong ngày