+Aa-
    Zalo

    Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo khẩn trương báo cáo lộ trình cải cách tiền lương

    (ĐS&PL) - Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thiện, báo cáo Chính phủ về phương án trình Bộ Chính trị, Trung ương, Quốc hội về lộ trình cải cách tiền lương.

    Ngày 9/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023.

    thu tuong chinh phu chi dao khan truong bao cao lo trinh cai cach tien luong 1
    Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023. Ảnh: TTXVN

    Khác với các phiên họp khác, ngoài việc thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 9 và đến cuối năm 2023, Chính phủ còn đồng thời cho ý kiến về các tờ trình, báo cáo quan trọng trình Bộ Chính trị, Trung ương và Quốc hội.

    Trong đó có các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, đầu tư công, ngân sách nhà nước năm 2023, kế hoạch năm 2024; các báo cáo giữa kỳ về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025.

    Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng đánh giá thời gian qua các cấp, các ngành, các địa phương đã nỗ lực vượt bậc, tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách; vừa triển khai quyết liệt, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Nhờ đó, kết quả tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước; tạo đà đạt kết quả cao hơn trong những tháng cuối năm.

    Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế và khó khăn, vướng mắc liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp; thị trường bất động sản tuy có khởi sắc nhưng còn khó khăn, báo Tiền Phong đưa tin.

    thu tuong chinh phu chi dao khan truong bao cao lo trinh cai cach tien luong 2
    Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo khẩn trương báo cáo lộ trình cải cách tiền lương.

    Theo tin tức thời sự mới nhất trên báo Người lao động, phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung thúc đẩy có trọng tâm, trọng điểm 3 động lực tăng trưởng gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng.

    Trong đó, tiếp tục củng cố, phát huy lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, vực dậy lĩnh vực công nghiệp, tập trung cho lĩnh vực chế biến, chế tạo, tháo gỡ khó khăn thị trường, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng.

    Về đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài; tăng cường hợp tác công tư (PPP), đẩy mạnh đầu tư toàn xã hội, tích cực, chủ động thu hút FDI có chọn lọc, bảo đảm chất lượng; chú trọng chuyển giao công nghệ, liên kết với doanh nghiệp trong nước và tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu.

    Về xuất khẩu, giữ vững, củng cố các thị trường truyền thống và tích cực mở rộng các thị trường mới; tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn mới, nhất là tiêu chuẩn xanh; tận dụng cơ hội các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới.

    Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tập trung tháo gỡ nút thắt tín dụng; khẩn trương rà soát, hoàn thiện các quy định, điều kiện, thủ tục cho vay, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp vào các lĩnh vực ưu tiên.

    Bên cạnh đó, tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay. Thực hiện hiệu quả các gói tín dụng chính sách, trong đó có gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất, 15.000 tỷ đồng cho ngành hàng đồ gỗ, thủy sản…

    Bộ Tài chính thực hiện hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí; chủ động nghiên cứu, kịp thời đề xuất các giải pháp phù hợp để hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh thời gian tới, tiếp tục đẩy nhanh hoàn thuế giá trị gia tăng.

    Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thiện, báo cáo Chính phủ về phương án trình Bộ Chính trị, Trung ương, Quốc hội về lộ trình cải cách tiền lương và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-TW.

    Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần đôn đốc, hướng dẫn đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy đầu tư tư nhân, thu hút vốn FDI và các dự án đối tác công tư (PPP). Khẩn trương thẩm định các quy hoạch, các dự án cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP) ở các dự án cao tốc Nam Định - Thái Bình; Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

    Bộ Xây dựng tập trung tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của thị trường, các dự án bất động sản. Bộ Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo triển khai các công trình, dự án giao thông chiến lược, có tính liên vùng, nhất là sân bay Long Thành và các dự án cao tốc.

    Bộ Y tế cần khẩn trương xử lý dứt điểm 2 Bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai ở Hà Nam.

    Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương có giải pháp khắc phục hiệu quả tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và những bất cập về cơ sở vật chất tại các trường học.

    Bộ Ngoại giao triển khai hiệu quả các hoạt động đối ngoại cấp cao, chuẩn bị tốt các đề án thăm nước ngoài của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

    Bộ Thông tin và Truyền thông trung thúc đẩy chuyển đổi số và truyền thông chính sách.

    Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, tồn đọng, kém hiệu quả.

    Vân Anh(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thu-tuong-chinh-phu-chi-dao-khan-truong-bao-cao-lo-trinh-cai-cach-tien-luong-a590349.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan