+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống mới nhất ngày 17/2: Người phụ nữ suy thận cấp do dùng thuốc đông y không rõ nguồn gốc

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 17/2/2024. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 17/2/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Người phụ nữ suy thận cấp do dùng thuốc đông y không rõ nguồn gốc

    Theo thông tin trên VTV Times, Trung tâm Y tế Hải Hà (tỉnh Quảng Ninh) vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ 76 tuổi, bị suy thận cấp do sử dụng thuốc đông y không rõ nguồn gốc.

    Bệnh nhân vào viện trong tình trạng mệt mỏi, buồn nôn, tiểu ít, khai thác tiền sử bệnh nhân có sử dụng thuốc đông y không rõ thành phần, nguồn gốc. Xét nghiệm ure 15.9 mmol/L, creatinin 600 mcmol/L, khí máu toan chuyển hóa. 

    Bệnh nhân được chẩn đoán suy thận cấp, các bác sĩ đã tiến hành lọc máu cấp cứu và điều trị nội khoa tích cực. Sau nhiều lần lọc máu cấp cứu, tình trạng cải thiện rõ rệt. Sau đợt điều trị tích cực, chức năng thận hồi phục về bình thường, bệnh nhân được tư vấn sức khỏe và cho ra viện.

    Theo các bác sĩ, suy thận cấp (hay tổn thương thận cấp) là tình trạng suy giảm cấp tính độ lọc cầu thận trong thời gian ngắn trong vài giờ đến vài ngày khiến cho rối loạn các chất điện giải, chất thải dư thừa không được đào thải ra khỏi máu. 

    tin tuc doi song moi nhat ngay 1722024 be 8 tuoi bi ran luc duoi do can khi ra sau nha bep danh rang2
    Loại thuốc mà bệnh nhân sử dụng. Ảnh: VTV Times

    Suy thận cấp thường do nhiều nguyên nhân, một trong số đó là do sử dụng thuốc nam, đông y không rõ nguồn gốc và ngày càng có xu hướng gia tăng. Thường những bệnh nhân này tiên lượng rất khó khăn do không biết chính xác độc chất trong các thảo dược không rõ nguồn gốc này hoặc do hóa chất xao tẩm và bảo quản thuốc... 

    Việc điều trị phụ thuộc vào tình trạng suy thận của người bệnh. Những bệnh nhân bị nhiễm độc nhẹ, được thải độc hoàn toàn, hết suy thận và không ảnh hưởng đến sức khỏe về sau nhưng có những bệnh nhân nhiễm độc nặng bị suy đa tạng, việc điều trị rất khó khăn và tốn kém, nếu cứu được cũng bị di chứng rất nặng nề có thể là suy thận mạn tính…, nhất là những bệnh nhân đã có bệnh lý thận từ trước đó.

    Các bác sĩ khuyến cáo khi có dấu hiệu của bệnh nên đến cơ sở khám chữa bệnh để khám và tư vấn, tuyệt đối không mua, sử dụng các thuốc không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường...

    Bé 8 tuổi bị rắn lục đuôi đỏ cắn khi ra sau nhà bếp đánh răng

    Theo báo Pháp Luật TP.HCM, ngày 16/2, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết nơi đây vừa tiếp nhận bệnh nhi T.Q.Đ  (8 tuổi, nam, ngụ tỉnh Long An) bị rắn lục cắn gây rối loạn đông máu nặng.

    Khai thác bệnh sử ghi nhận trẻ ra sau nhà bếp đánh răng, bất ngờ bị rắn lục đuôi đỏ cắn ở bàn tay trái, gây đau và chảy máu. Khi phát hiện, người nhà cầm máu cho trẻ, bắt con rắn và tức tốc đưa trẻ đến bệnh viện địa phương. Tại đây, bệnh nhi được sơ cứu cầm máu, truyền dịch rồi chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố vào chiều mùng 1 tết.

    tin tuc doi song moi nhat ngay 1722024 be 8 tuoi bi ran luc duoi do can khi ra sau nha bep danh rang
    Hình ảnh rắn lục đuôi đỏ. Ảnh: Thai National Parks

    Tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, các bác sĩ ghi nhận trẻ sưng bầm bàn tay trái, lan lên cẳng tay trái, chảy máu thấm gạc, vẻ mặt trẻ lừ đừ. Kết quả xét nghiệm cho thấy biểu hiện rối loạn đông máu nặng.

    Cùng với con rắn người nhà mang theo là rắn lục xanh đuôi đỏ, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị rắn lục đuôi đỏ cắn và xử trí truyền 5 lọ huyết thanh kháng nọc rắn lục đặc hiệu cho trẻ.

    Tuy nhiên sau 6 giờ truyền huyết thanh kháng nọc rắn, vết rắn cắn sưng to và lan tiếp lên cánh tay trái nên trẻ được truyền thêm 5 lọ nữa. Kết quả, tình trạng trẻ có cải thiện 24 giờ sau đó, hết chảy máu, vết thương rắn cắn bớt sưng bầm.

    Qua trường hợp này, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh lưu ý phát quang xung quanh nhà tránh cho rắn, ong, côn trùng vào nhà tấn công trẻ. Người nhà nên hướng dẫn trẻ lưu ý khi đi lại dưới ruộng cỏ lùm cây dễ bị rắn độc tấn công. Tốt nhất là mang giày ủng khi lao động, làm việc vùng đồng cỏ, ruộng vườn, tránh đi chân đất, tránh trèo cây cũng thể bị rắn lục cắn hoặc nguy cơ té ngã.

    Cứu người đàn ông bị nhồi máu cơ tim cấp sau tai nạn giao thông

    VOV đưa tin, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ khoa Tim mạch can thiệp đã kịp thời cứu sống bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp sau chấn thương.

    Cụ thể, bệnh nhân nam tên T.P.T. (21 tuổi, ở quận Ô Môn, TP.Cần Thơ0 bị tai nạn giao thông và nhập viện tuyến trước với nhiều vết thương đầu mặt, đau ngực. Bệnh nhân bị đa thương, tình trạng trở nặng nên chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vào 9h ngày 8/2/2024 (nhằm ngày 29 Tết Giáp Thìn) 

    Tại thời điểm nhập viện, các bác sĩ nghĩ đến khả năng nhồi máu cơ tim cấp (mặc dù bệnh nhân trẻ tuổi, không có yếu tố nguy cơ về tim mạch) do cơ chế tổn thương mạch vành sau đụng dập vùng ngực trái.

    Tình huống này thách thức lựa chọn phương pháp điều trị cho bệnh nhân, vì bệnh nhân vừa có nguy cơ tử vong do nhồi máu cơ tim cấp, vừa có nguy cơ xuất huyết do chấn thương nhãn cầu và đụng dập vùng ngực, tràn khí màng phổi, dập phổi  sau tai nạn giao thông.

    tin tuc doi song moi nhat ngay 1722024 be 8 tuoi bi ran luc duoi do can khi ra sau nha bep danh rang1
    Các bác sĩ can thiệp mạch vành cho người bệnh. Ảnh: VOV

    Bệnh nhân đã được nhiều chuyên khoa hội chẩn: Tim mạch can thiệp, Nội Tim mạch, Ngoại Lồng mạch máu, Ngoại thần kinh, Mắt... Sau đó, bệnh nhân có chỉ định can thiệp mạch vành cấp cứu.

    Kết quả ghi nhận tắc từ lỗ động mạch vành liên thất trước (động mạch vành trái), tổn thương dạng bóc tách. Can thiệp thành công sang thương bằng một stent phủ thuốc với thời gian 35 phút. Chụp kiểm tra dòng chảy tốt, chuyển khoa Tim mạch can thiệp chăm sóc và điều trị. Hiện bệnh nhân tỉnh, không đau ngực, tình trạng sức khỏe ổn định, đã xuất viện về nhà theo dõi.

    Theo bác sĩ CKII Trần Văn Triệu - Phó khoa phụ trách khoa Tim mạch can thiệp, thông thường xơ vữa mạch vành là nguyên nhân phổ biến gây nhồi máu cơ tim cấp, tuy nhiên 20% nhồi máu cơ tim cấp ở người trẻ thứ phát không phải nguyên nhân do xơ vữa. Bao gồm thuyên tắc mạch vành, tình trạng tăng đông, bóc tách mạch vành, dị dạng bẩm sinh động mạch vành, viêm mạch máu, xạ trị trung thất.

    XEM THÊM: Chữa bệnh bằng thuốc cam, bệnh nhi 9 tuổi nguy kịch vì ngộ độc chì, bác sĩ cảnh báo nguy hiểm

    Việc xuất hiện nhồi máu cơ tim cấp sau khi bị chấn thương xuyên ngực là vô cùng hiếm, hiện chỉ ghi nhận được vài trường hợp trong y văn, chủ yếu là do bị đạn bắn.

    Vì vậy, đối với các trường hợp chấn thương ngực, đặc biệt là chấn thương ngực đụng dập triệu chứng đau ngực ở bệnh nhân cần được xem xét cẩn thận, thực hiện các phương pháp cận lâm sàng cần thiết để loại trừ nhồi máu cơ tim. Việc chẩn đoán và điều trị vẫn phải dựa theo phác đồ của nhồi máu cơ tim cấp thông thường, với vai trò quan trọng của đo điện tim và thử men tim.

    Đinh Kim(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-tuc-doi-song-moi-nhat-ngay-17-2-2024-nguoi-phu-nu-suy-than-cap-do-dung-thuoc-dong-y-khong-ro-nguon-goc-a610829.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan