+Aa-
    Zalo

    Trước “phù thủy thiết kế” và Giám đốc sáng tạo, một loạt nhân sự cấp cao cũng đã lặng lẽ rời Apple

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sự ra đi của nhiều nhân vật cấp cao cho thấy đang có một sự thay đổi lớn trong đội ngũ lãnh đạo của Apple.

    Sự ra đi của nhiều nhân vật cấp cao cho thấy sự thay đổi trong đội ngũ lãnh đạo của Apple, khi hãng này đang chuyển dần trọng tâm từ nhà sản xuất phần cứng sang thành công ty "dịch vụ" internet.

    Theo Dân trí, Jonathan Ive (hay còn gọi là Jony Ive), người phụ trách vị trí Giám đốc thiết kế của Apple trong gần 30 năm mới đây tuyên bố sẽ rời công ty vào cuối năm 2019.

    Jonathan Ive cho biết ông sẽ chấm dứt những đóng góp của mình cho hãng công nghệ số 1 thế giới, bao gồm những sản phẩm có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong làng công nghệ tính đến thời điểm hiện nay, điển hình như chiếc iPhone.

    Ive là một trong những nhân viên đời đầu của Apple, người đã lãnh đạo nhóm thiết kế của Apple kể từ năm 1996.

    Jony Ive và CEO Tim Cook. Ảnh: Getty

    Hiện vẫn chưa rõ lý do khiến Ive rời công ty. Tuy nhiên, Ive cho biết sẽ thành lập một công ty thiết kế của riêng mình, có tên LoveFrom, với Apple là đối tác chính.

    Do đó, Apple có thể vẫn sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ tài năng của Ive, bằng cách làm việc trực tiếp với ông trong các dự án độc quyền, cũng như thừa hưởng đội ngũ thiết kế xuất sắc mà Ive đã gây dựng trong suốt nhiều thập kỷ.

    Báo chí quốc tế đánh giá Ive là một trong những nhà thiết kế sản phẩm xuất sắc nhất trong thế giới đương đại. Ông từng làm việc trong hầu hết các dự án của Apple, bao gồm Mac, iPod, iPhone, iPad, Apple Watch,...

    Gần đây nhất, Ive đã lồng tiếng cho một video thiết kế về dòng Mac Pro sẽ ra mắt vào cuối năm nay. Ngoài thiết kế phần cứng, Ive cũng đã đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình lại phần mềm của Apple.

    Theo 9to5mac, sau “phù thủy thiết kế” Jony Ive, Apple tiếp tục mất đi một trong những chuyên gia sáng tạo marketing hàng đầu của mình. Đó là Giám đốc sáng tạo Arnau Bosch.

    Arnau Bosch cho biết đã rời khỏi TBWAMedia Arts Lab - đơn vị cung cấp dịch vụ quảng cáo cho Apple - để thành lập nền tảng truyền thông xã hội riêng hướng tới người chơi nhạc.

    Bosch được biết đến rộng rãi từ khi hợp tác cùng Robbin Ingvarsson và Kako Mendez trong chiến dịch quảng cáo loa thông minh HomePod. Phim ngắn “Welcome Home” do nhóm sản xuất đã thắng nhiều giải thưởng quốc tế, trong đó có giải Cannes Lions - được mệnh danh là “Oscar của ngành sáng tạo”.

    Về quyết định ra đi của mình, Bosch cho biết đã đến lúc ông thử điều gì đó khác biệt.

    Giám đốc sáng tạo Arnau Bosch. Ảnh: The Drum

    Theo tìm hiểu của Vneconomy, sự ra đi của Ivy và Arnau Bosch theo sau nhiều điều hành cấp cao khác của Apple, bao gồm giám đốc bán lẻ hồi đầu năm.

    Cụ thể, Angela Ahrends thôi việc tại Apple hồi tháng 2/2019 sau 5 năm điều hành mảng kinh doanh cửa hàng bán lẻ của hãng công nghệ Mỹ.

    Từng là giám đốc điều hành (CEO) của hãng thời trang Burberry, Ahrends là người đứng sau những trải nghiệm tại cửa hàng bán lẻ của Apple và là một trong những giám đốc được trả lương cao nhất tại công ty này.

    Dẫn dắt đội ngũ nhân viên cửa hàng bán lẻ hơn 70.000 người, Ahrendts phụ trách giám sát hoạt động của tất cả các cửa hàng Apple trên toàn thế giới. Bà gia nhập Apple khi công ty này đang tìm cách mang phong cách xa xỉ vào những sản phẩm mới như Apple Watch.

    Gerard Williams III - Giám đốc cấp cao phụ trách kiến trúc nền tảng CPU cũng là người đóng vai trò quan trọng đối với các sản phẩm của Apple. Williams gia nhập Apple vào năm 2010 và giám sát quá trình phát triển con chíp riêng của công ty với vị trí giám đốc cấp cao phụ trách kiến trúc nền tảng CPU. Việc ông rời công ty vào tháng 3/2019 là mất mát lớn đối với Apple. Hãng công nghệ Mỹ sau đó thuê Mike Filipo - một Giám đốc khác từng làm việc cho ARM.

    Bên cạnh đó, Vipul Ved Prakash - Giám đốc phụ trách công cụ tìm kiếm hỗ trợ cho Safari và Siri trên hệ điều hành iOS và MacOS cũng đã rời Apple vào tháng 7/2018, cùng thời điểm với người đồng sáng lập Siri - Tom Gruber.

    Prakash bắt đầu làm việc cho Apple vào năm 2013 khi công ty này mua lại Topsy Labs - nền tảng mạnh xã hội và công cụ tìm kiếm phân tích do ông sáng lập.

    Tom Gruber là một trong 3 nhà sáng lập của Siri - startup trợ lý ảo tại California được Apple mua lại vào năm 2000 với giá 200 triệu USD. Tính năng trợ lý ảo Siri được Apple đưa vào iPhone 4 ra mắt vào năm sau đó. Gruber ở lại Apple lâu hơn 2 người đồng sáng lập Siri còn lại và điều hành đội ngũ phát triển trợ lý ảo của công ty.

    Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, mặc dù sớm phát triển trợ lý ảo, Apple vẫn tụt hậu so với các đối thủ như Google và Amazon.

    Theo The Information, Gruber rời Apple để nghỉ hưu và theo đuổi các đam mê cá nhân về bảo tồn đại dương và nhiếp ảnh.

    Vũ Đậu(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/truoc-phu-thuy-thiet-ke-va-giam-doc-sang-tao-mot-loat-nhan-su-cap-cao-cung-da-lang-le-roi-apple-a282979.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan