+Aa-
    Zalo

    Uống rượu sau bao lâu thì hết nồng độ cồn và có thể lái xe?

    (ĐS&PL) - Một người khỏe mạnh, không có bệnh gì khi uống 1 đơn vị cơ thể phải mất từ 2-3 giờ mới hết nồng độ cồn trong cơ thể.

    VTC News dẫn lời  bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết,  không có con số chính xác tuyệt đối cho việc uống rượu bia sau bao lâu mới được lái xe, hay sau bao lâu uống rượu bia mới hết nồng độ cồn trong cơ thể.

    Quá trình đào thải nồng độ cồn phụ thuộc vào lượng rượu, bia người đó uống và đặc điểm sinh học, thể trạng của từng cá nhân. Từ đó mới có chỉ số nhất định sau bao lâu mới hết nồng độ cồn trong máu. 

    Một đơn vị cồn tương đương với 2/3 chai, lon bia 330 ml (nồng độ cồn 5%), một ly rượu vang 100 ml (nồng độ cồn 13,5%), một cốc bia hơi 330 ml hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (nồng độ cồn 40%).

    uong ruou sau bao lau thi het nong do con va co the lai xe 4

    Đối với người có cơ chế chuyển hóa bình thường thì sau 1 giờ, gan sẽ dung nạp và chuyển hóa hết 1 đơn vị cồn. Tuy nhiên, để hết hoàn toàn 1 đơn vị cồn, cơ thể còn phải mất từ 1-2 giờ nữa.

    Do đó, một người khỏe mạnh, không có bệnh gì thì khi uống 1 đơn vị cơ thể phải mất từ 2-3 giờ mới hết nồng độ cồn trong cơ thể.

    Với những người có chức năng gan suy yếu hay cơ thể chuyển hóa chậm hơn thì cần thời gian lâu hơn để chuyển hoá hết cồn trong máu.

    Theo bà Trang, tốt nhất chúng ta không nên uống rượu bia. Nếu bắt buộc phải uống, bạn nên hạn chế ở mức nguy cơ thấp. Nam giới khỏe mạnh không nên uống quá 2 đơn vị cồn, nữ giới khỏe mạnh không quá 1 đơn vị cồn mỗi ngày và uống dưới 5 ngày/tuần. Với mức uống như vậy phải mất ít nhất 4 giờ mới có thể lái được xe.

    Còn uống nhiều, uống cấp tập, thậm chí cả két bia, cả chai rượu thì không thể xác định được chính xác nồng độ cồn nếu không xét nghiệm máu.

    Theo VietNamNet, Thạc sĩ, bác sĩ Trần Đức Cảnh - Khoa Nội soi, Bệnh viện K (Hà Nội), cảnh báo, uống rượu ở bất kỳ mức độ nào đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. 

    Một số nghiên cứu cho thấy uống rượu ở mức độ vừa phải có thể có lợi cho hệ tim mạch. Tuy nhiên, nghiên cứu được công bố trên tạp chí uy tín The Lancet năm 2018 lại khuyến cáo mức uống rượu thực sự an toàn duy nhất là "không uống".

    uong ruou sau bao lau thi het nong do con va co the lai xe 1

    Trong Hướng dẫn Chế độ ăn uống của Mỹ, nam giới không nên uống không quá hai ly mỗi ngày và nữ giới không quá một ly, tùy thuộc sự khác nhau về chuyển hóa và mức độ hấp thụ rượu. Uống càng ít sẽ càng tốt cho sức khỏe. Uống nhiều rượu làm tăng nguy cơ tử vong do các nguyên nhân liên quan đến rượu.

    Bác sĩ Cảnh cho biết, khi uống quá mức và trong thời gian dài, rượu có thể gây tổn hại cho nhiều hệ cơ quan: 

    Gây hại sức khỏe tim mạch

    Ngoài các tác hại cho tim mạch, sử dụng rượu quá mức còn có thể làm tăng cholesterol trong máu.

    Không tốt cho não bộ

    Uống quá nhiều rượu trong thời gian dài có thể dẫn đến lạm dụng rượu, nghiện rượu, hay còn gọi là rối loạn sử dụng rượu. Tác động kéo dài lên não của rượu là gây các rối loạn nhận thức như học tập, trí nhớ, và gây ra hoặc làm nặng thêm các rối loạn tâm thần như trầm cảm. Lạm dụng rượu có thể dẫn đến teo não, mất chất xám, mất chất trắng.

    Tàn phá gan

    Dù gan là một cơ quan có khả năng hoạt động bù trừ rất tốt nhưng cũng không tránh được các tác hại của rượu, cụ thể là nguy cơ gan nhiễm mỡ, viêm gan do rượu, xơ gan, ung thư gan.

    Ảnh hưởng tuyến tụy

    Uống rượu gây thiếu hụt vitamin do ăn uống kém và giảm hấp thu. Nghiện rượu còn có nguy cơ gây viêm tụy, từ đó giảm khả năng tiêu hóa thức ăn và hấp thụ chất dinh dưỡng của bạn.

    uong ruou sau bao lau thi het nong do con va co the lai xe 2

    Rủi ro hệ thống miễn dịch

    Uống quá nhiều rượu trong thời gian dài có thể làm giảm khả năng chống lại nhiễm trùng và bệnh tật của cơ thể.

    Tăng khả năng mắc bệnh ung thư

    Rượu có thể làm tăng khả năng phát triển nhiều loại ung thư khác nhau. Các nghiên cứu đã ghi nhận việc uống rượu, nhất là kết hợp hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ dẫn tới ung thư vú, gan, thực quản, đầu cổ và đại trực tràng.

    Một số nghiên cứu gần đây còn chỉ ra mối liên quan của ung thư da, tuyến tiền liệt và tuyến tụy với việc uống rượu. Viện Ung thư Quốc gia ở Mỹ báo cáo nguy cơ ung thư đầu và cổ tăng lên ít nhất 2-3 lần với những người uống nhiều rượu.

    Không tốt cho cơ xương

    Rượu có thể làm xương yếu đi, tăng nguy cơ gãy xương. Những người mắc chứng rối loạn sử dụng rượu cũng có nồng độ axit uric cao hơn và dễ mắc bệnh gút. 

    Ngoài ra, uống rượu có thể tạo gánh nặng bệnh tật từ các chấn thương như tai nạn giao thông đường bộ, bạo lực và tự tử. Các tai nạn liên quan đến rượu có xu hướng xảy ra ở các nhóm tuổi tương đối trẻ.

    Thùy Dung (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/uong-ruou-sau-bao-lau-thi-het-nong-do-con-va-co-the-lai-xe-a603295.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan