+Aa-
    Zalo

    Vì sao các ứng viên tổng thống Mỹ công bố tranh cử sớm?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Cuộc đua tổng thống Mỹ 2024 đang dần khởi động khi ứng viên thứ 2 của đảng Cộng hòa công bố kế hoạch tranh cử.

    Hồi tuần trước, cựu đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley đã công bố kế hoạch tranh cử tổng thống năm 2024. Theo đó, bà Haley là nhân vật thứ 2 của đảng Cộng hòa công khai ý định tranh cử của mình, sau cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

    Đến thời điểm hiện tại, công chúng vẫn đang chờ đợi các động thái tiếp theo đến từ những gương mặt tiềm năng khác có thể tham gia cuộc đua tổng thống 2024 như Tổng thống đương nhiệm Joe Biden hay Thống đốc Florida Ron DeSantis. Theo đó, một câu hỏi đã được đặt ra với cuộc đua năm 2024: Những người có xu hướng giành chiến thắng thường công bố kế hoạch tranh cử sớm hay muộn?

    Theo CNN, câu trả lời phụ thuộc vào những ai tham gia cuộc đua. Đối với cuộc bầu cử sơ bộ của đảng, nếu các ứng viên tranh cử không phải tổng thống đương nhiệm, ứng viên nào công bố kế hoạch sớm hơn sẽ có lợi thế hơn. 

    Thời điểm thích hợp để tranh cử

    Kỷ nguyên bầu cử sơ bộ hiện đại bắt đầu vào năm 1972 với phe Dân chủ và năm 1976 với phe Cộng hòa. Kể từ đó, hàng trăm ứng cử viên đã tham gia tranh cử tổng thống hoặc ít nhất là thành lập các ủy ban thăm dò với Ủy ban Bầu cử Liên bang.

    Theo ghi nhận của CNN, ở đảng không phải của tổng thống đương nhiệm, thông thường các ứng viên sẽ tuyên bố tranh cử vào khoảng ngày 16/3 trong năm trước năm bầu cử.

    Một trong những điều quan trọng để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ là thời điểm các ứng cử viên tham gia cuộc đua. Trong 17 cuộc bầu cử sơ bộ kể từ năm 1972 ở đảng không có tổng thống đương nhiệm, 10 ứng cử viên chiến thắng là người công bố chiến dịch tranh cử sớm. Trong khi đó, 2 trong số những người chiến thắng là những người công bố kế hoạch tranh cử vào khoảng thời gian trung bình của năm. Và 5 người chiến thắng là những người công bố chiến dịch tranh cử muộn hơn.

    tranh cu tong thong
    Bà Nikki Haley tuyên bố tranh cử tổng thống 2024. Ảnh: New York Times 

    Trong đó, đảng viên Đảng Dân chủ George McGovern, trong chu kỳ bầu cử năm 1972, đã bắt đầu kế hoạch tranh cử gần 1 năm trước khoảng thời gian trung bình mà các đối thủ khác của ông công bố ý định chạy đua. 

    Khi ấy, ông McGovern là ứng cử viên của đảng lớn duy nhất có ít hơn 5% phiếu bầu trong các cuộc thăm dò sớm nhưng sau đó trở thành người dẫn đầu với hơn 20% tỷ lệ ủng hộ. Thành công của ông McGovern là một lý do cho thấy chiến dịch tranh cử sơ bộ trong đảng nên bắt đầu từ sớm. 

    Khi tranh cử sớm, ứng viên sẽ được biết đến nhiều hơn và quá trình gây quỹ cũng như xây dựng một tổ chức là chìa khóa để giành chiến thắng trong chiến dịch tranh cử tổng thống. Nếu một ứng viên để tụt lại phía sau quá xa, đó có thể là một thảm họa.

    Tất nhiên, không phải bất kỳ ai tuyên bố tranh cử sớm cũng sẽ đạt được thành công. Cựu Thống đốc Florida Reubin Askew trong nhiệm kỳ 1984 và cựu Hạ nghị sĩ Maryland John Delaney trong nhiệm kỳ 2020 đều là những người sớm gửi hồ sơ tranh cử của mình lên ủy ban. Nhưng cuối cùng, cả hai người đều không tiến xa trong cuộc bầu cử.

    Tuy nhiên, về tổng thể, tranh cử sớm vẫn tốt hơn là tranh cử muộn.

    Lợi thế của người đương nhiệm

    Trong khi đó, đối với những tổng thống đương nhiệm, họ có lợi thế hơn về thời gian công bố chiến dịch tranh cử.

    Kể từ năm 1976, các tổng thống đương nhiệm thường thành lập ủy ban thăm dò hoặc công bố chiến dịch tranh cử của họ là ngày 30/4 của năm trước năm bầu cử, khoảng một tháng rưỡi sau khi các ứng viên khác công bố kế hoạch của họ.

    tranh cu tong thong my
    Người ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2020. Ảnh: AP 

    Tuy nhiên, cũng có một vài tổng thống thông báo kế hoạch tái tranh cử sớm. Cựu Tổng thống Donald Trump đã thành lập ủy ban thăm dò cho cuộc đua Nhà Trắng năm 2020 ngay một ngày sau khi ông nhậm chức vào năm 2017. 

    Không có gì ngạc nhiên khi các tổng thống đương nhiệm thường tranh cử muộn hơn. Họ hiếm khi có bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào đủ lớn trong đảng. Họ được mọi người biết đến và những người đương nhiệm không cần nhiều thời gian tăng cường cơ sở hạ tầng chiến dịch của họ để gây quỹ.

    Diễn biến này dường như phù hợp với trường hợp của Tổng thống Joe Biden. 

    Minh Hạnh(Theo CNN) 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-sao-cac-ung-vien-tong-thong-my-cong-bo-tranh-cu-som-a566516.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan