+Aa-
    Zalo

    Dự án Golden Square: Từ Địa ốc Đông Á đến Alphanam

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Dự án Golden Square vốn được biết đến do Địa ốc Đông Á của bà Cao Thị Ngọc Dung thực hiện. Thế nhưng dự án nhiều năm không thể hoàn thành, phải chuyển nhượng cho Alphanam

    Dự án Golden Square vốn được biết đến do Địa ốc Đông Á của bà Cao Thị Ngọc Dung thực hiện. Thế nhưng dự án nhiều năm không thể hoàn thành và phải chuyển nhượng cho Alphanam.

    Phối cảnh dự án Gold Square.

    Dự án Golden Square tọa lạc ở vị trí "đất vàng" với 4 mặt giáp các tuyến đường Yên Bái - Phạm Hồng Thái - Nguyễn Thái Học và Nguyễn Chí Thanh (TP.Đà Nẵng), quy mô 10.664m2. Dự án có tên thương mại là Golden Square do Công ty cổ phần địa ốc Đông Á (Địa ốc Đông Á) làm chủ đầu tư.

    Theo bà Cao Thị Ngọc Dung- Chủ tịch HĐQT Địa ốc Đông Á, Golden Square bao gồm 3 tòa tháp gồm căn hộ cao cấp, cao ốc văn phòng và khách sạn cùng với 5 tầng chung nhau làm trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe...

    Dự án Golden Square được khởi công từ đầu năm 2008. Thế nhưng, khi thi công đến mặt bằng sàn tầng thứ 2 thì dự án nằm yên, bất động. Đây cũng là khoảng thời gian Địa ốc Đông Á liên tục thua lỗ.

    Năm 2014, dự án này ngừng thi công trong thời gian dài, TP.Đà Nẵng đã ra liên tiếp 3 văn bản nhắc nhở, trong đó nêu rõ: “Chủ đầu tư nếu không thực hiện đúng cam kết tiến độ đề ra thì đến ngày 1/1/2016, UBND TP.Đà Nẵng sẽ xem xét thu hồi dự án”.

    Sau đó, TP.Đà Nẵng đã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có dự án chậm tiến độ có thể chuyển nhượng dự án nếu tìm được đối tác có thể đẩy nhanh tiến độ dự án.

    Chớp thời cơ này, Địa ốc Đông Á của bà Cao Thị Ngọc Dung đã nhanh chóng chuyển nhượng dự án Golden Square cho Tập đoàn Alphanam. Thương vụ được tiến hành "lặng lẽ" nên giá chuyển nhượng không được tiết lộ.

    Chỉ biết rằng, ngày 7/3/2018, Công ty cổ phần Đông Á Golden Square ra đời với vốn điều lệ 615 tỷ đồng. Trong đó, Địa ốc Đông Á nắm 99% vốn điều lệ, Tập đoàn Alphanam thông qua Công ty cổ phần dịch vụ và thương mại Đông Á nắm 0,35% vốn điều lệ. Còn hai cổ đông cá nhân Nguyễn Hải Châu và Phạm Thanh Lam lần lượt nắm 0,35% và 0,3%.

    Thế nhưng, công ty này chỉ tồn tại 5 tháng và đã giải thể. Lý do giải thể là do doanh nghiệp không đến nhận kết quả đăng ký doanh nghiệp.

    Đến tháng 6/2019, một lần nữa Công ty cổ phần Đông Á Golden Square được thành lập. Lần này, doanh nghiệp vẫn đăng ký tại địa chỉ cũ, chỉ khác cổ đông sáng lập lần này 100% liên quan đến Tập đoàn Alphanam và vốn điểu lệ chỉ ở mức 20 tỷ đồng.

    Một tháng sau đó (tháng 7/2019), công ty này đã tăng vốn điều lệ lên 790 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số trên chỉ là trên giấy tờ đăng ký từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

    Còn theo dữ liệu của PV, năm 2019, Công ty cổ phần Đông Á Golden Square do Tập đoàn Alphanam thành lập có vốn chủ sở hữu chỉ là 46,6 tỷ đồng, tổng tài sản ở mức 46,8 tỷ đồng, và lợi nhuận của doanh nghiệp là 746.000 đồng.

    Trong khi đó, Địa ốc Đông Á các năm 2016, 2017 lần lượt báo lỗ 43,8 tỷ đồng và 43,7 tỷ đồng. Đến năm 2018, công ty này bất ngờ báo lãi 21,7 tỷ đồng. Rất có thể, việc Địa ốc Đông Á báo lãi là nhờ vào việc nhận tiền chuyển nhượng dự án. Để rồi, đến năm 2019, công ty này tiếp tục trở về quỹ đạo thua lỗ.

    Về phần dự án Golden Square, năm 2017, dự án được chuyển sang mô hình condotel. Theo đó, UBND TP.Đà Nẵng đồng ý điều chỉnh quy mô Khu phức hợp Trung tâm thương mại và căn hộ Golden Square từ khối chung cư 36 tầng điều chỉnh sang Condotel 416 căn, tăng thêm 02 tầng kỹ thuật thang máy. Khối khách sạn 27 tầng, tăng phòng ngủ từ 277 phòng lên 353 phòng và tăng thêm 02 tầng kỹ thuật thang máy. Khối căn hộ 21 tầng, điều chỉnh tầng 6 và tầng 7 từ văn phòng thành căn hộ, tổng số căn hộ điều chỉnh là 200 căn, tăng thêm 02 tầng kỹ thuật thang máy.

    Những tưởng, sang tay chủ đầu tư mới, dự án Golden Square sẽ nhanh chóng, thuận lợi để tiếp tục thi công và đi vào hoàn thành. Thì bất ngờ, tháng 6/2020, VAMC có văn bản số 539 về việc “Cung cấp dịch vụ thẩm định giá”.

    Theo đó, VAMC muốn thẩm định đối với tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai tại dự án Golden Square do Địa ốc Đông Á thế chấp từ năm 2010. Khoản nợ có dư nợ gần 745 tỷ đồng và lãi, phí gần 224 tỷ đồng.

    Đến tháng 10/2020, VAMC tiếp tục có văn bản số 949 để mời đơn vị thẩm định giá cho khối tài sản thế chấp của Địa ốc Đông Á trong đó có dự án Golden Square mà Alphanam đã nhận chuyển nhượng.

    PV

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/du-an-golden-square-tu-dia-oc-dong-a-den-alphanam-a358103.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan