+Aa-
    Zalo

    Lạng Sơn: Nỗ lực phát triển giao thông nông thôn

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Các huyện Hữu Lũng, Bắc Sơn, Lộc Bình, Chi Lăng, Văn Quan là những huyện đi đầu trong nhiều năm liền về phong trào cứng hóa đường giao thông nông thôn ở Lạng Sơn.

    Các huyện Hữu Lũng, Bắc Sơn, Lộc Bình, Chi Lăng, Văn Quan là những huyện đi đầu trong nhiều năm liền về phong trào cứng hóa đường giao thông nông thôn ở Lạng Sơn cả về số lượng và chất lượng.

    Xác định được tầm quan trọng của giao thông nông thôn là nền tảng cho sự phát triển KT-XH bền vững, trong những năm qua tỉnh Lạng Sơn có nhiều chủ trương, chính sách phát triển giao thông nông thôn đúng đắn, hợp lòng dân, đã tạo nên một sức mạnh tổng hợp đẩy nhanh quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn với mục tiêu bê-tông hóa, nhựa hóa, hoàn chỉnh hệ thống cầu, đường nối liền từ các huyện, thành phố đến các xã, phường, thị trấn nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển. Từ đó nhiều địa phương đã thực hiện tốt phong trào xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn làm cho diện mạo làng quê ngày càng khởi sắc.

    Cứng hóa đường giao thông nông thôn tại xã Cường Lợi, huyện Đình Lập, Lạng Sơn

    Thời gian qua, tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2016 - 2020. Ưu tiên hoàn thành tiêu chí giao thông các xã điểm trong Chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2019. Phấn đấu cứng hóa được trên 350 km mặt đường giao thông nông thôn, nâng tỷ lệ cứng hóa đường ô tô đến trung tâm xã đạt 79%. Tổ chức thực hiện, giám sát, đánh giá, thẩm định tiêu chí về giao thông nông thôn (tiêu chí số 2) trong Chương trình xây dựng nông thôn mới. Kết quả thực hiện năm 2019 về làm đường GTNT trên địa bàn toàn tỉnh: Mở mới đường giao thông nông thôn được 40,5Km; sửa chữa mặt đường xã, trục thôn, đường ngõ xóm 3.450 km; phát quang tầm nhìn được 2.860.000 m2, xây dựng mới mặt đường BTXM 375 km; số xi măng sử dụng 39.100 tấn; số công huy động 281.500 công; Nhân dân đóng góp bằng tiền 51.500 triệu đồng; Khai thác cát, đá, sỏi 36.180 m3, nhân dân hiến đất 55.200 m2.

    Các huyện Hữu Lũng, Bắc Sơn, Lộc Bình, Chi Lăng, Văn Quan là những huyện đi đầu trong nhiều năm liền về phong trào cứng hóa đường giao thông nông thôn cả về số lượng và chất lượng. Điển hình là huyện Hữu Lũng, thực hiện đề án phát triển giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, kết thúc năm 2018, toàn huyện cứng hóa được 51,6 km đường, cao nhất trong các huyện trên địa bàn tỉnh. Hữu Lũng cũng duy trì vị trí số một về kết quả cứng hóa đường giao thông nông thôn liên tục từ năm 2015 đến nay. Riêng thực hiện cứng hóa các tuyến đường ngõ xóm, năm 2018, toàn huyện bê tông được 28,8 km đường, bề rộng mặt đường đều từ 2,5 m đến 3 m, chiều dày đạt 18 cm. Nhân dân đóng góp bằng tiền mặt để mua vật liệu bê tông cứng hóa các tuyến đường đạt trên 10 tỷ đồng.        

    Tại huyện huyện Cao Lộc, có thôn Bản Lành, xã Hòa Cư là điểm sáng về làm đường giao thông. Thôn Bản Lành có 85 hộ dân sinh sống rải rác ven các quả đồi cách trung tâm xã hơn 4 km và cách đường tỉnh 235 Cao Lộc – Xuất Lễ hơn 2 km. Trước năm 2018, đường liên thôn vào trung tâm thôn đều là đường đất, người dân đi lại khó khăn, thôn nhiều lần kiến nghị với xã, huyện xin xi măng làm đường nhưng do nguồn kinh phí hạn hẹp huyện chưa cấp được. Sau nhiều năm kiến nghị, năm 2018, huyện phân bổ cho thôn 200 tấn xi măng, các hộ dân tự nguyện góp 2,5 triệu đồng/hộ để mua vật liệu làm đường. Kết thúc năm 2018, thôn Bản Lành cứng hóa được 1,3 km đường trục thôn có bề rộng đạt 2,5 m, dày 18 cm. Hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn là khát khao, nguyện vọng bao đời của người dân. Cho nên, khi có chủ trương, chính sách làm cầu, đường là nhân dân ở đây nhiệt tình hưởng ứng, sẵn sàng hiến đất, đóng góp ngày công và làm bất cứ những gì có thể để hoàn thành những con đường, cây cầu đúng tiến độ, đạt chất lượng cao nhất nhằm có được hệ thống giao thông nông thôn hoàn chỉnh, thông suốt, người dân không còn sống trong cảnh giao thông lầy lôị, khó khăn.

    Để phát triển giao thông nông thôn, ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, các địa phương đã vào cuộc quyết liệt, trong đó công tác tuyên truyền, vận động và huy động sức dân là yếu tố quan trọng, qua đó tạo ra những địa phương điển hình, nhân rộng ra các địa phương khác là một trong những giải pháp cơ bản. Việc ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh về việc phê chuẩn Đề án phát triển giao thông nông thôn đã mang đến một luồng gió mới, tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ của phong trào xây dựng giao thông nông thông trong thời gian qua. Đến nay tỉnh Lạng Sơn cứng hóa đạt 375Km/350Km đường GTNT (vượt 25 Km), tỷ lệ cứng hóa đường đến trung tâm xã đạt 79,11%/79% (vượt 0,11%), 12 xã điểm phấn đấu về đích nông thôn mới 2019 đạt 04 chỉ tiêu về tiêu chí số 02. Đề án PTGTNT giai đoạn 2016-2020 đã hoàn thành về đích sớm 01 năm theo kế hoạch.

    Giao thông nông thôn được nối liền sẽ tạo thêm nhiều việc làm mới, giải quyết được vấn đề lao động nhàn rỗi ở nông thôn, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển. Bên cạnh đó, Lạng Sơn còn có những định hướng đúng đắn để tập trung chỉ đạo xây dựng các công trình trọng điểm, tháo gỡ khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng, tranh thủ nguồn vốn của Chính phủ và nguồn nội lực trong nhân dân. Ngoài ra, Lạng Sơn cũng đã có những giải pháp trong công tác giải phóng mặt bằng như: Tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân thấy được lợi ích khi hợp tác xây dựng công trình, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đầu tư xây dựng. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh, sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của chủ đầu tư đối với những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện, tạo nên bước đột phá trong xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông của tỉnh

    Để phát triển giao thông bền vững, việc rút ngắn khoảng cách chênh lệch về giao thông giữa thành phố với giao thông miền núi, vùng biên giới, ngành giao thông Lạng Sơn đã trực tiếp tham mưu với UBND tỉnh đề ra những giải pháp, chương trình để phát triển như: xây dựng quy hoạch phát triển giao thông vận tải đến năm 2020; tham gia phát động chương trình giao thông - thủy lợi hàng năm. Tập trung hoàn thành dứt điểm những công trình đã khởi công; bám sát quy hoạch phát triển giao thông nông thôn đã được UBND tỉnh phê duyệt; rà soát, kiểm tra xác định thứ tự ưu tiên đầu tư các công trình trên địa bàn tỉnh, từ đó có kế hoạch về vốn để cân đối và đầu tư xây dựng công trình; tiếp tục tranh thủ mọi nguồn vốn của trung ương và các tổ chức khác... Có thể khẳng định những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua sẽ là nền tảng vững chắc để Lạng Sơn tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa, hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn. Kết quả đó cũng là nền tảng, động lực để Lạng Sơn phát triển nhanh và bền vững.

    Trần Hà

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lang-son-no-luc-phat-trien-giao-thong-nong-thon-a307567.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan