+Aa-
    Zalo

    Nhà trường gây sốc khi yêu cầu học sinh không được mang balo về nhà và lý do đặc biệt đằng sau

    (ĐS&PL) - Ngày 12/10, một phụ huynh ở Như Cao (Giang Tô, Trung Quốc) đã chia sẻ lên mạng xã hội thông báo của nhà trường về việc yêu cầu học sinh không mang balo về nhà. Ngay lập tức, thông tin này làm dấy lên làn sóng tranh luận sôi nổi.

    Thông báo của nhà trường cụ thể như sau: "Kính gửi quý phụ huynh, căn cứ theo chỉ thị cấp trên, nhà trường sẽ thực hiện nghiêm túc các yêu cầu liên quan đến chiến lược Giảm bớt gánh nặng học tập và tăng cường hoạt động ngoại khóa cho học sinh ở TP Như Cao.”

    Điều này có nghĩa rằng học sinh sẽ không mang balo về nhà sau giờ học. Đồng nghĩa với việc bài tập về nhà không xuất hiện thời gian tới. Toàn bộ bài tập của học sinh được hoàn thành trên lớp

    Đối với những phụ huynh thực sự quan tâm và muốn biết tình hình học tập của con trên lớp, nên thực hiện một số công việc sau khi về nhà:

    Đầu tiên, phụ huynh hãy hỏi về nội dung học của con trên lớp, mục đích khơi gợi lại các kiến thức con được học. Tiếp theo, phụ huynh sẽ cùng con củng cố lại kiến thức. 

    Sau đó, phụ huynh có thể yêu cầu con đọc lại bài, ghi nhớ các bài thơ cổ đã học hoặc đọc sách ngoại khóa... Lưu ý, yêu cầu được thực hiện dựa trên sự tự nguyện. Nhà trường mong nhận được sự đồng hành và chung tay của phụ huynh". 

    nha truong gay soc khi yeu cau hoc sinh khong duoc mang balo ve nha va ly do dac biet dang sau1
    Để giảm áp lực cho học sinh, một trường ở Trung Quốc yêu cầu học sinh không mang balo về nhà. Ảnh minh họa.

    Thông báo còn chỉ rõ yêu cầu học sinh không mang balo về nhà từ thứ 2 đến thứ 5, phải để lại sách giáo khoa, vở viết và văn phòng phẩm ở trường, chỉ cầm về điện thoại di động, máy tính bảng (nếu có). 

    Theo nhà trường, mục đích của việc đưa ra thông báo này nhằm giảm bớt gánh nặng làm bài tập về nhà cho học sinh. Đồng thời, giúp giáo viên có thời gian tương tác với học sinh nhiều nhất khi trên lớp. Theo đó, yêu cầu của nhà trường xuất phát từ chính sách ‘giảm kép’ của Chính phủ Trung Quốc đề ra năm 2021.

    Thông báo này sau khi được một phụ huynh có con học tại đây đăng tải lập tức thu hút sự quan tâm của cư dân mạng nước này.

    Một bộ phận cho rằng yêu cầu này làm tăng gánh nặng tài chính cho phụ huynh, vì một số học sinh không có điện thoại di động hoặc máy tính bảng, để ôn lại bài buổi tối sẽ phải mua thêm. 

    Bên cạnh đó, phần lớn phụ huynh đều cho rằng nếu thực hiện theo yêu cầu của nhà trường sẽ khiến những học sinh kém ngày càng không theo kịp các bạn cùng lớp.

    Tuy nhiên, một bộ phận khác lại ủng hộ yêu cầu của nhà trường. Họ cho rằng học sinh có nhiều thời gian tham gia các hoạt động ngoại khóa, thể dục thể thao. Ngoài ra, yêu cầu này cũng là cách thúc đẩy sự tương tác giữa phụ huynh và học sinh, giúp họ hiểu rõ hơn về việc học tập của con.

    Hiện nay, học sinh ngày càng phải đối mặt với nhiều áp lực học tập. Do đó, các trường không ngừng tìm kiếm phương pháp nhằm giảm bớt gánh nặng cho học sinh. Tuy nhiên, một số yêu cầu của các trường đặt ra chưa phù hợp với thực tế, gây nhiều tranh cãi. 

    Trước những ý kiến trái chiều, ông Đinh Hồng Lâm, Phó Giám đốc Văn phòng Giám sát Chính quyền TP Như Cao, cho biết: “Khi thực hiện chính sách ‘giảm kép’ của Chính phủ, các trường học đã thăm dò nhiều ý kiến. 

    Mỗi trường sẽ có yêu cầu khác nhau vì họ dựa trên đặc điểm riêng và hình thức đào tạo. Mục đích cuối cùng các trường đưa ra thông báo nhằm giúp học sinh đạt được chất lượng học tập cao và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh toàn diện”.

    Ông nhấn mạnh, các yêu cầu của nhà trường đưa ra với mục đích duy nhất là giảm gánh nặng học tập cho học sinh, nhưng không làm giảm chất lượng đào tạo. Trước hiện tượng nhiều phụ huynh ‘đổ xô’ tìm lớp cho con đi học thêm, yêu cầu này được coi là biện pháp làm hạn chế tình trạng trên. 

    nha truong gay soc khi yeu cau hoc sinh khong duoc mang balo ve nha va ly do dac biet dang sau2
    Chính sách 'giảm kép' của Trung Quốc đã gặt hái một số kết quả tích cực, song vẫn còn thách thức. Ảnh minh họa.

    Giải thích thêm vấn đề này, đại diện Phòng Giáo dục TP Như Cao cho biết: "Yêu cầu của nhà trường không xoáy quá sâu vào vấn đề học sinh không được mang balo về nhà. Mục đích chính, nhà trường đang muốn kiểm soát khối lượng bài tập về nhà của học sinh".

    Đại điện phòng giáo dục thông tin thêm sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của phụ huynh: “Chúng tôi sẽ có thông báo cụ thể yêu cầu trường khắc phục vấn đề này thời gian tới”. 

    Từ tháng 7/2021, Chính phủ Trung Quốc ban hành chính sách “giảm kép” trong đó, cấm tổ chức dạy thêm học thêm cho học sinh Trung Quốc dưới 16 tuổi vào ngày lễ hoặc cuối tuần. Đồng thời, phía trường học phải giảm khối lượng bài tập về nhà. Tuy nhiên, sau gần 2 năm, các chuyên gia nhận thấy chính sách này đối mặt với nhiều thách thức.

    Dù đã có lệnh cấm, nỗi lo lắng của phụ huynh vẫn còn nên các trung tâm có cơ hội hoạt động. Trong những ngày này, một trong những cách để tìm gia sư là truyền miệng. Nhiều gia sư giỏi dù không quảng cáo hay nổi tiếng nhưng đã được phụ huynh đặt kín chỗ trong vài năm tới.

    Một phụ huynh tên Lu Ai chia sẻ với CAN: “Ban đầu tôi hoan nghênh chính sách, đã từng nghĩ rằng giờ đây, mọi đứa trẻ đều đứng chung một vạch xuất phát. Nhưng khi một thầy dạy Toán nổi tiếng bí mật liên hệ, tôi lại dao động.”

    “Nhiều gia sư dạy Toán rất tốt. Họ có thể giải thích một vấn đề trong 5 phút. Tôi tự hỏi nếu gặp một thầy như thế và con trai tôi lập tức tiến bộ thì sao?”, chị Lu Ai giải thích về việc bí mật cho con học thêm Toán trở lại.

    Dù thách thức là thế, tuy nhiên nhiều chuyên gia đánh giá chung chính sách “giảm kép” mang lại nhiều kết quả tích cực. Khảo sát năm 2022 của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho thấy, 73% phụ huynh cho biết thời gian hoàn thành bài tập về nhà của học sinh ngắn hơn nhiều so với trước khi thực hiện chính sách. 85,4% phụ huynh hài lòng về các môn sau giờ học tại trường.

    Còn đánh giá của Bộ Giáo dục Trung Quốc chỉ ra số lượng học sinh hoàn thành bài tập về nhà trong thời gian quy định đã tăng đến hơn 90%. Tỷ lệ học sinh tự nguyện tham gia các môn sau giờ học tăng lên 92,2%.

    Thùy Dung (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nha-truong-gay-soc-khi-yeu-cau-hoc-sinh-khong-duoc-mang-balo-ve-nha-va-ly-do-dac-biet-dang-sau-a595092.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan