+Aa-
    Zalo

    Thanh toán NDT trực tiếp tại Việt Nam: Hiểm họa khôn lường

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – Trước kiến nghị cho phép thanh toán tiền Nhân dân tệ trực tiếp tại Việt Nam của Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc, nhiều chuyên gia cho rằng đây là đề xuất không

    (ĐSPL) – Trước kiến nghị cho phép thanh toán tiền Nhân dân tệ trực tiếp tại Việt Nam của Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc, nhiều chuyên gia cho rằng đây là đề xuất không thể chấp nhận được.

    “Cái cớ” của doanh nghiệp Trung Quốc

    Trong văn bản tập hợp kiến nghị của doanh nghiệp trong tháng 11 được Phòng Thương mại – Công nghiệp VN (VCCI) gửi Thủ tướng Chính phủ có ghi nhận đề xuất được thanh toán tiền Nhân dân tệ (NDT) tại Việt Nam.

    Theo đó, Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) Trung Quốc (TQ) cho rằng nhu cầu giao dịch thanh toán bằng nhân dân tệ (NDT) tại VN là khá lớn và đang tăng lên rõ rệt. Tại thị trường biên mậu Việt - Trung, cuối năm 2013 kim ngạch thanh toán bằng NDT ước đạt khoảng 15 tỷ USD.

    Tuy nhiên, do phương thức lưu thông NDT chưa được pháp luật VN quy định, nên đa số giao dịch thanh toán biên mậu bằng NDT nói trên được thực hiện ở VN thông qua con đường không chính ngạch.

    Vì vậy, nếu được cho phép thanh toán tiền NDT trực tiếp theo đường chính ngạch thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có thể quản lý nguồn vốn này hiệu quả, tăng cường thu thuế và công tác phòng chống rửa tiền.

    Kiến nghị này cũng lấy minh chứng hiện đã có ngân hàng của VN thực hiện nghiệp vụ đổi NDT - VND nhưng chưa có ngân hàng TQ được thực hiện nghiệp vụ này, và mong muốn Chính phủ VN đồng ý cho Ngân hàng Công thương TQ thực hiện hợp tác nghiệp vụ NDT với ngân hàng thương mại VN.

    Bên cạnh đó, theo ý kiến của doanh nghiệp Trung Quốc, nếu tiền thanh toán thương mại từ USD được thay bằng NDT thì đây chỉ là sự thay thế về đồng tiền thanh toán mà không ảnh hưởng gì đến xuất siêu hay nhập siêu.

    Hiểm họa khôn lường

    Tuy nhiên, trái ngược với những lý do có vẻ “hợp tình hợp lý” mà các doanh nghiệp Trung Quốc đưa ra, các chuyên gia kinh tế giàu kinh nghiệm tại Việt Nam đều cho rằng hiểm họa từ đề xuất này là rất lớn và cần kiên quyết từ chối.

    Trả lời trên báo Thanh niên, Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, cho rằng đề xuất này không thể chấp nhận: "Ở tầm quốc gia, đề xuất này không thể chấp nhận. Bởi trước đây TQ từng có đề nghị tương tự nhưng Bộ Công thương đã thẳng thừng từ chối".

    Theo Tiến sỹ Phong, việc cho phép thanh toán tiền NDT trực tiếp tại Việt Nam sẽ dẫn đến hai hệ quả xấu. Thứ nhất, doanh nghiệp Việt sẽ chịu nhiều rủi ro nếu nắm giữ tiền NDT trong khi rõ ràng đồng tiền này chưa phải là ngoại tệ được tự do chuyển đổi trên thị trường quốc tế.

    Thứ hai và đáng lo ngại hơn, đó là VN đang nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc. Nếu chỉ thanh toán bằng NDT, ở vị thế yếu hơn trong cán cân thương mại sẽ dẫn đến việc DN nội địa buộc phải vay của TQ. “Như vậy, chúng ta không những lệ thuộc vào hàng hóa mà còn về mặt tài chính”, ông nói. Hơn nữa, theo ông Phong, giao dịch biên mậu với TQ từng có lịch sử ách tắc hàng hóa do chính sách thắt chặt biên mậu hay chậm thông quan khiến DN trong nước phải đổ hàng đi và chịu nhiều thiệt hại.

    Đồng quan điểm phản đối đề xuất từ phía doanh nghiệp Trung Quốc, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Trung tâm nghiên cứu chính sách và kinh tế (VEPR), khẳng định trên một đất nước chỉ giao dịch bằng một đồng tiền của chính đất nước đó: "Trước đây có tình trạng đô la hóa, vàng hóa. Trong 2 - 3 năm qua, NHNN đã nỗ lực loại bỏ vàng, USD ra khỏi phương tiện thanh toán, thu hẹp phạm vi cấp tín dụng bằng đồng USD. Cho nên, đề nghị này của Hiệp hội DN TQ lại càng không thể chấp nhận".

    Trao đổi với Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, đề xuất này chính là vi phạm chủ quyền của Việt Nam: "Đề nghị này của Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc là vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Trên đất nước Việt Nam chỉ lưu hành duy nhất một đồng tiền của Việt Nam là Việt Nam đồng, còn tất cả những đồng tiền khác đều phải chuyển đổi sang đồng tiền của Việt Nam. Hiện nay, chúng ta không cho phép lưu hành song song một đồng tiền nào khác".

    "Phía Trung Quốc lập luận rằng ở biên giới Việt - Trung đã sử dụng rộng rãi đồng Nhân dân tệ nên bây giờ kiến nghị Việt Nam cho phép thanh toán bằng đồng tiền này thì tôi cho rằng NHNN và các tỉnh biên giới cần phải có một câu trả lời rõ ràng là tại sao lại có thể có giao dịch lên đến 15 tỷ USD bằng đồng Nhân dân tệ ở biên giới được? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về việc này?" - ông Doanh nhấn mạnh.

    Một vấn đề nữa khiến các chuyên gia kinh tế đều lo ngại, đó là khi Việt Nam đang nhập siêu rất nặng từ Trung Quốc, việc cho phép thanh toán bằng tiền NDT này cũng không khác mấy so với việc “để tất cả trứng vào một rổ”.

    Nếu thanh toán bằng những đồng tiền khác thì Việt Nam có thể dùng tiền USD thu được từ việc xuất khẩu sang Mỹ, Nhật để trả cho những giao dịch với doanh nghiệp Trung Quốc. Nhưng nếu chỉ thanh toán bằng đồng NDT, các doanh nghiệp Việt chỉ có cách là vay tiền NDT của ngân hàng Trung Quốc.

    "Tức là ngoài nhập siêu, chúng ta còn phụ thuộc thêm về mặt tài chính đối với Trung Quốc và đây là điều rất đáng lo ngại, cần phải xem xét kỹ" - ông Doanh nói.

    Theo khảo sát được công bố hồi tháng 9/2013 của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc (RMB) là một trong 10 đồng tiền được giao dịch mạnh nhất thế giới.

    Hiện tại trên thế giới đã có ba quốc gia là Mỹ, Nhật Bản và Australia có giao dịch tiền tệ trực tiếp với Trung Quốc. Bên cạnh đó, Brazil cũng đã ký Hiệp định hoán đổi tiền tệ trong 3 năm với nước này. Giữa tháng 10/2014, Nga cũng đã tiến hành ký kết hiệp định hoán đổi tiền tệ song phương với Trung Quốc nhằm thúc đẩy thương mại, đầu tư trực tiếp hai bên.


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thanh-toan-ndt-truc-tiep-tai-viet-nam-hiem-hoa-khon-luong-a77880.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan