+Aa-
    Zalo

    Thanh xuân dành trọn cho F0 của nữ bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Suốt hơn 3 tháng dành tâm huyết cho việc điều trị và chăm sóc F0, nữ bác sĩ cũng từng cảm thấy muốn bỏ cuộc, song, sau khi tự vực dậy chính mình, chị lại quyết tâm ở lại, tiếp tục sứ mệnh “chiến binh” diệt Covid-19.

    “Có lúc tôi cảm thấy mình rất đuối”

    Đó là lời thú nhận của bác sĩ Bùi Thị Kim Kha (SN 1994, Bệnh viện đa khoa Bưu điện) trong những ngày đầu tham gia chống dịch tại bệnh viện dã chiến số 3, đặt tại khu tái định cư Bình Khánh thuộc phường An Khánh (Tp.Thủ Đức).

    Từ quê hương Đắk Lắk xuống “thành phố mang tên Bác” chống dịch, nữ bác sĩ cảm thấy may mắn nhất là gia đình không hề ngăn cản việc làm ý nghĩa: “Mặc dù ba má không làm trong ngành y, nhưng theo dõi tình hình dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng thì cũng ít nhiều lo lắng. Nên trước khi tôi rời nhà, ba má cũng hỏi tôi, đã suy nghĩ kỹ chưa, có suy nghĩ lại hay không? Những tuyệt nhiên, ba má không hề ngăn cản, vì biết đây cũng là sứ mệnh cao cả của ngành y”.

    bac si 1
    Bác sĩ Bùi Thị Kim Kha trong bộ đồ bảo hộ kín mít.

    Nhớ lại những ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ mới, bác sĩ Kha cũng như không ít nhân viên y tế khác đều không thể quên nổi: “Chúng tôi bắt đầu “hành trình mới” từ ngày 8/7, nhưng phải đến mấy ngày sau đó, mới có thể đi vào hoạt động chính thức, vì phải cùng nhau dọn dẹp lại không gian làm việc chung. Những ngày đầu, số ca tiếp nhận đông, mà lực lượng “mỏng”, nên nhân viên y tế vừa phải “căng mình” làm công tác chuyên môn, điều trị cho số lượng lên đến cả gần trăm bệnh nhân mà vừa phải lo cả công tác hậu cần, chăm sóc, dọn dẹp... Thực sự, nếu nói không vất vả thì quả là không đúng!”.

    Theo bác sĩ Kha, mặc dù mỗi ca trực tại bệnh viện dã chiến số 3 của các nhân viên y tế chỉ kéo dài từ 6-7 tiếng, nhưng thời gian nghỉ ngơi thực tế cũng không có nhiều.

    “Được cái, tôi là người có thói quen dậy sớm, nên giờ giấc trong này cũng không bị xáo trộn quá nhiều. Tuy nhiên, tôi cũng bị mất ngủ trong mấy ngày đầu. Còn sau đó, chỉ thỉnh thoảng tôi bị trễ giờ cơm khi hết ca vẫn còn bệnh nhân phải cấp cứu, hoặc khi vào ca mà cơm chưa kịp đến tay. Rồi đến khi chúng tôi ở đây lâu, ăn cơm “công nghiệp” mãi cũng chán, vì hương vị ngày nào cũng na ná như ngày nào... Chúng tôi nhiều lúc xuất hiện tình trạng “chán ăn”, phải tự động viên nhau, nếu ngán cơm thì ăn mì tôm hoặc bánh trái, cố gắng ăn gì đó để lấy sức chiến đấu...

    Mặc dù giai đoạn sau này, chúng tôi có thêm nhiều đồng nghiệp chi viện và các lực lượng khác như quân đội, tình nguyện vào hỗ trợ, nhưng thời gian biểu chính thức cũng không được trống là bao. Bởi, sau mỗi ca chăm sóc F0, chúng tôi cũng phải thường xuyên họp trao đổi chuyên môn, tư vấn và trấn an bệnh nhân qua Zalo, hoặc dò lại kết quả xét nghiệm của người bệnh....

    Những công việc ấy cứ lấn dần vào thời gian nghỉ ngơi, nhưng chúng tôi vẫn luôn tự nhủ: Mình không làm thì ai làm? Bệnh nhân chỉ có thể dựa vào các y bác sĩ, nên mình không thể làm “lỡ nhịp”... Thế là, lại có tinh thần để làm việc. Nhìn “mớ” việc ấy, tôi chỉ “ngán” nhất là phải lo mấy thủ tục hành chính, mệt thật sự. Nhiều khi cũng phải “căng não” để hoàn thành một cách cẩn trọng và tỉ mỉ nhất”, nữ bác sĩ bộc bạch.

    bac si 3
    Công việc khiến bác sĩ Kha sợ nhất!

    Điều khác nhất mà chị chỉ ra khi chăm sóc cho các F0 tại đây, chính là việc bệnh nhân có thể trở nặng quá nhanh, chỉ trong vòng vài chục phút đã có thể nguy hiểm đến tính mạng, hoặc những trường hợp đứng trước sự lựa chọn của bác sĩ mang tính quyết định sinh tử; trong khi, đối với công việc cũ trước đó, bác sĩ điều trị đều có quy trình.

    Có lẽ, nhịp làm việc dồn dập ấy đã trở thành nguyên nhân khiến nữ bác sĩ cảm thấy có chút “chênh vênh” trong những ngày đầu.

    “Nhớ lại giai đoạn đầu, bệnh viện dự định chỉ tiếp nhận bệnh nhân nhẹ, nhưng sau đó, nhiều ca trở nặng đột ngột, khiến chúng tôi lao vào một “guồng quay” không ngơi nghỉ... Ngoài chuyên môn, chúng tôi còn phải “bao” luôn cả nhiều nhiệm vụ khác, bởi vậy, trong tuần đầu tiên, nhiều lúc tôi cảm thấy mình rất đuối... Thậm chí, có lúc mệt quá, người tôi như muốn “đình công” vậy.

    Tiêu cực nhất là khi trong đầu tôi xuất hiện dòng suy nghĩ: “Bây giờ, cho dù có được trả lương cao đến bao nhiêu, tôi cũng sẽ không làm nữa...”, hoặc “Thà mình bị nhiễm Covid-19, có khi mình sẽ khỏe hơn”... Tuy nhiên, tất cả chỉ là suy nghĩ trong khoảnh khắc nào đó thôi, vì ngay lập tức, tôi lại tự vực bản thân mình dậy để tiếp tục sứ mệnh cứu người”, chị không ngần ngại trải lòng.

    Mỗi F0 tình nguyện ở lại là y bác sĩ được tiếp thêm sức mạnh

    Từ vùng đất Tây Nguyên xuống bám trụ ở TP.Hồ Chí Minh làm việc và ngày đêm lăn xả vào điều trị cho bệnh nhân Covid-19, bác sĩ Kim Kha cũng chứng kiến rất nhiều khoảnh khắc cùng những câu chuyện khác nhau của các F0.

    Chị tâm sự: “Có không ít câu chuyện khiến bản thân tôi nhiều lúc cũng mủi lòng theo. Đặc biệt, khi chứng kiến những sự ra đi ngay trước mắt, thấy cảnh chia ly, cảm xúc cũng đi theo. Bản thân mỗi nhân viên y tế đều hụt hẫng khi để vuột mất sự sống đang giành giật... Tôi bỗng cảm giác cuộc sống vô thường, trong một giây phút thoáng qua, tinh thần làm việc có thể sẽ bị tụt đi phần nào... Tuy nhiên, khi đó, các bệnh nhân khác cũng trông thấy, ít nhiều xuất hiện tâm lý lo sợ, hoang mang, cảm thấy bất an, có người thậm chí còn bật khóc, nên chúng tôi phải kịp thời trấn an, không cho phép bản thân được ủy mị quá lâu...”.

    Khi phòng cấp cứu tại bệnh viện dã chiến số 3 quá tải, một trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 ngay tại hầm để xe đã được thiết lập. Điều đó phần nào cho thấy sự bận rộn và vất vả của các y bác sĩ.

    bac si 2
    Bác sĩ Kha tỉ mỉ điều trị cho các F0.

    “Tôi nhớ nhất về hoàn cảnh của một cậu F0 khoảng 20 tuổi mà tôi cũng khá thân, thỉnh thoảng tôi có nhờ cậu ấy chỉ cho mấy thứ liên quan đến công nghệ thông tin. Trong khi cậu ấy vào viện cùng 2 người cô, thì ba má bị nặng hơn nên nhập một viện khác và một người bác nặng nhất đang tự theo dõi tại địa phương cư trú. Covid-19 đã cướp đi ba cậu, bác cậu và cả một người cô trong gia đình.

    Ngày nghe tin ba mất, mặc dù cũng là một chàng trai khá mạnh mẽ và tự lập sớm, nhưng cậu cũng không khỏi suy sụp tinh thần. Hôm ấy, chưa đến lượt xét nghiệm nhưng bạn ấy cứ sốt sắng, xin xét nghiệm sớm để được về nhà lo hậu sự cho ba. Mặc dù trước đó, cậu ấy đã từng nói với tôi, sau khi hồi phục, sẽ xin ở lại hỗ trợ các y bác sĩ để san sẻ phần nào công việc... Tôi thương lắm, những cũng chỉ biết động viên để cậu ấy ổn định tâm lý, đối diện với “sóng gió”. Và sau khi lo xong hậu sự, cậu ấy vẫn “giữ lời”, trở thành tình nguyện viên hỗ trợ cho đến khi có lịch học và phải quay lại trường”, bác sĩ trẻ nhớ lại.

    “Không chỉ có cậu sinh viên đó, mà còn có rất nhiều F0 sau khi khỏi bệnh cũng tình nguyện ở lại góp sức với tuyến đầu. Mỗi thành viên chịu ở lại để chung tay san sẻ, đều như tiếp thêm sức mạnh cho từng nhân viên y tế”, đó là cảm nhận rõ rệt nhất của nữ bác sĩ sau suốt hơn 3 tháng gắn bó.
    Và tất nhiên, không phải chỉ có những ký ức buồn, bác sĩ Kha cho biết, cũng có rất nhiều niềm vui đến từ người bệnh. Những khoảnh khắc tự vực dậy tinh thần và bù đắp cho sự hụt hẫng khi phải chứng kiến sự ra đi của bệnh nhân xấu số.

    “Bệnh nhân ở đây đều sống rất tình cảm, những lời cảm ơn gần như không ngớt, kể cả sau khi họ đã khỏe lại và được xuất viện về nhà. Có nhiều người vẫn duy trì liên lạc, hỏi han các y bác sĩ, thậm chí, hỏi y bác sĩ có muốn ăn gì không để gửi vào... Tất cả đều rất ấm áp!

    Bây giờ, cũng giống như mọi người, tôi đang mong cuộc sống sớm trở lại như trước kia, dịch bệnh lùi xa, ai cũng được về nhà. Điều đầu tiên tôi muốn làm sau khi TP.Hồ Chí Minh “khỏe lại”, là được về quê với ba má, sau đó, tôi sẽ dành nguyên một ngày để “xả hơi” và thưởng thức cơm canh má nấu sẵn”, nụ cười khẽ nở trên gương mặt của nữ bác sĩ 27 tuổi.

    “Thanh xuân” nguyện dành để chăm chút cho F0

    Tính đến nay, đã có vài đợt luân chuyển nhân viên y tế, song, bác sĩ Bùi Thị Kim Kha vẫn quyết tâm “bám trụ” cùng đồng nghiệp tại bệnh viện dã chiến số 3 đến khi không còn bệnh nhân.

    “Bản thân tôi đã hết thời gian điều trị ở đây, đã được thông báo cho về đơn vị công tác cũ, nhưng thương người bệnh quá, nên tôi lại xung phong viết đơn xin ở lại. Tôi có rất nhiều lý do để tiếp tục. Mỗi lần bệnh viện có một đợt luân chuyển mới, bản thân tôi đều cảm thấy mình muốn ở lại, bởi, tôi còn sức khỏe, còn đam mê, còn tinh thần làm việc... Một phần là vì tôi đã làm quen những công việc ở đây, nếu đổi người mới, sẽ phải đào tạo, hướng dẫn lại từ đầu, như vậy sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc chung... Hơn nữa, hiện giờ, đã quen với nhịp độ làm việc như vậy, nếu đột nhiên trở về, nghỉ ngơi, chắc chắn tôi sẽ nhớ lắm. Không quen nổi!

    Nếu ai hỏi vì sao tôi vẫn quyết định gắn bó, thì một lý do nữa khiến tôi lưu luyến môi trường này, là bởi sự đồng lòng, đoàn kết, gắn bó, tinh thần đồng đội của những người đồng nghiệp, nhiều mối quan hệ mới được xác lập, chúng tôi tuy không chung một mái nhà nhưng gặp nhau ở đây, đã coi nhau là gia đình.

    bac si 4
    Những khoảnh khắc tự vực dậy tinh thần và bù đắp cho sự hụt hẫng khi phải chứng kiến sự ra đi của bệnh nhân xấu số.

    Tôi nhớ nhất một kỷ niệm vào đêm Trung thu vừa rồi, sau khi hoàn tất công việc chuyên môn cũng như phát đèn cho các em thiếu nhi vẫn còn dư một ít, chúng tôi tụ lại với nhau, đi vòng qua khuôn viên để... rước đèn. Cảm giác của những người toàn trên 20 tuổi đến hơn 40 tuổi, bỗng chốc trở lại tuổi thơ cùng với nhau, thực sự rất đặc biệt. Nếu bắt gặp “những đứa trẻ to xác” trong đêm Trung thu ấy, nhiều người có lẽ khó nhận ra những nhân viên y tế đang từng ngày khoác lên mình từng bộ đồ bảo hộ kín mít.

    Chính những khoảnh khắc ấy khiến chúng tôi càng thêm gắn kết ở nơi đây, mỗi khi có đồng nghiệp nào trở về với công việc cũ, chúng tôi đều mang một cảm xúc khó tả vô cùng!”, chị bộc bạch.

    Ngừng lại một lát, bác sĩ Kha bày tỏ: “Thanh xuân của chúng tôi nguyện dành để chăm chút các bệnh nhân Covid-19 ở đây. Sau quãng thời gian nhận nhiệm vụ mới, tôi nghiệm ra, nếu mình cứ dốc cả tâm lực cho người bệnh thì dù cho gian khó đến đâu rồi cũng vượt qua”.

    Tuệ Linh

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thanh-xuan-danh-tron-cho-f0-cua-nu-bac-si-noi-tuyen-dau-chong-dich-a516404.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan