+Aa-
    Zalo

    Thương lái Việt tiếp tay thương lái Trung Quốc lừa nông dân Việt?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Việc thương lái Trung Quốc có những hành động thu mua dị biệt tại Việt Nam, nhằm lũng đoạn thị trường không thể không kể đến sự "hợp tác" của thương lái Việt...

    (ĐSPL) - Việc thương lái Trung Quốc liên tục có những hành động thu mua dị biệt tại Việt Nam, nhằm lũng đoạn thị trường không thể không kể đến sự "hợp tác" của một bộ phận thương lái trong nước.

    Lũng đoạn thị trường hồ tiêu: Có sự tiếp tay của thương lái Việt?

    Chưa biết 'mặt mũi' thương lái Trung Quốc nhưng có hiện tượng thương lái Việt tiếp tay để lừa nông dân, không loại trừ họ giả thương lái Trung Quốc.

    Đó là ý kiến của một số lãnh đạo Sở NN&PTNT, Sở Công thương một số tỉnh khi trao đổi với Đất Việt về hiện tượng thương lái Trung Quốc lũng đoạn thị trường hồ tiêu ở khu vực Tây Nguyên.

    Báo Đất Việt đưa tin, trước đó, Phòng An ninh Kinh tế - Công an tỉnh Đắk Lắk đã có công văn cảnh báo hành vi, thủ đoạn của một số thương lái Trung Quốc.

    Cụ thể, từ khoảng tháng 4/2015 đến nay, Phòng An ninh Kinh tế phát hiện một số thương lái Trung Quốc đã đến địa bàn tỉnh thu gom hồ tiêu, tiêu lép, các tạp chất của tiêu từ các hộ nông dân với số lượng lớn, giá cao hơn giá thị trường từ 3.000 đồng đến 10.000 đồng.

    Sau khi thu gom, thương lái Trung Quốc tiếp tục đặt cọc tiền, ký hợp đồng với các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh nông sản với giá rất cao, mục đích tạo sự khan hiếm nguồn hàng trên thị trường. Cùng thời điểm này, nguồn hàng trong dân không còn, các doanh nghiệp và đại lý không còn hàng để giao nên các thương lái Trung Quốc thông qua thương lái người Việt dùng lượng hàng đã thu gom trước đó bán lại cho các doanh nghiệp, đại lý và cuối cùng hủy hợp đồng đã ký.

    Doanh nghiệp H.P. (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) đang "ôm" 50 tấn tiêu lép và 20 tấn tạp chết tiêu theo đơn đặt hàng của thương lái Trung Quốc. (Ảnh: NLĐ)

    Các doanh nghiệp, đại lý ôm hàng trăm tấn tiêu đã mua với giá cao từ thương lái Trung Quốc hoặc thu gom từ các nguồn khác nhưng không thể bán theo hợp đồng đã ký.

    Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk cho biết, việc thương lái mua bán tiêu lép, tiêu non, rễ tiêu từng diễn ra mạnh ở huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai.

    "Tại Đắk Lắk cũng nghe thông tin này, một số anh em ở địa phương phản ánh có thương lái Trung Quốc nhưng chúng tôi chưa trực tiếp gặp thương lái Trung Quốc bao giờ. Qua việc thương lái đến các đại lý đặt mua nông sản, Sở Công thương thấy đó là hiện tượng mua bán không bình thường nên chỉ đạo ngay lực lượng quản lý thị trường rà soát. Nhưng khi xuống đến nơi thì các thương lái đã lặn mất tăm, còn một số đại lý của mình thì thu mua hàng, ôm hàng chịu lỗ.

    Sở đã phối hợp với Công an tỉnh Đắk Lắk cảnh báo các doanh nghiệp kinh doanh nông sản trên địa bàn cảnh giác với các hiện tượng mua bán bất thường, để khi tái diễn cơ quan chức năng sẽ can thiệp kịp thời".

    Video không thể bỏ qua:[mecloud]dUa246o3VB[/mecloud]

    Ông Dương dự đoán có cả thương lái Trung Quốc và thương lái người Việt thu gom hàng nông sản với giá cao rồi sau đó "bỏ bom", thậm chí không loại trừ người Việt giả người Trung Quốc để lừa đảo nhân dân, bởi chưa bắt được thương lái Trung Quốc bao giờ.

    Lý giải nguyên nhân người dân Việt dễ bị lừa, ông Huỳnh Ngọc Dương cho rằng, tâm ý của người dân nói chung là ham lợi nhuận nhưng ở một số nước có thể họ chủ động, cảnh giác tốt hơn, khi có hiệu quả kinh tế bất thường thì họ nghi ngờ, còn người dân Việt Nam cứ tặc lưỡi "nhào vô" vì không bán thì người khác cũng bán. Chưa kể, tính liên kết của các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, thậm chí giấu nhẹm thông tin với nhau, thiệt hại không ai biết.

    Trong khi đó, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cũng cho hay "chưa biết mặt mũi thương lái Trung Quốc thế nào nhưng có hiện tượng thương lái Việt tiếp tay cho thương lái Trung Quốc".

    Dẫn lại mô hình sản xuất lạc kết hợp với doanh nghiệp để chế biến, xuất khẩu đang được Sở triển khai thí điểm, ông Hổ kể rằng, ở một số xã, mô hình này đã bị phá nát bởi thương lái.

    "Ban đầu theo hợp đồng ký kết, doanh nghiệp mua lạc với giá 5.500 đồng/kg, người dân đã lãi trên 40-50\%. Tuy nhiên, đến mùa thu hoạch, thương lái kéo đến nâng giá, doanh nghiệp phải ký với giá 9.000 đồng/kg thì thương lái mua lên 11.000 đồng/kg. Khi doanh nghiệp nâng lên 10.000 đồng/kg, thương lái lại tiếp tục mua 13.000 đồng/kg, họ mang bao đến mua cả lạc non lẫn lạc già, ứng tiền trước cho nông dân.

    Chúng tôi tìm hiểu thì được biết những người này chở lạc sang Trung Quốc để bán, nhưng qua Trung Quốc họ có mua hay không thì không biết. Về phía doanh nghiệp, họ rất bức xúc vì họ ký hợp đồng xuất khẩu ra nước ngoài nên phải nhắm mắt nâng giá thu mua lên, nghĩa là chấp nhận lỗ.

    Qua xã khác, Sở Công thương rút kinh nghiệm, phối hợp với công an huyện, quản lý thị trường, khi thương lái xuống mua nông sản thì mời họ về xã, hỏi giấy phép kinh doanh và yêu cầu họ ký hợp đồng như doanh nghiệp đã làm. Làm thế này sẽ khiến thương lái "mất hồn" bởi chắc chắn họ không có giấy phép kinh doanh. Hơn nữa, họ cũng từ chối ký hợp đồng và cho biết, nếu Nhà nước không tổ chức sản xuất theo chuỗi, họ cũng chỉ thu mua với giá 5.500-6.000 đồng/kg".

    Tạp chất của tiêu cũng được thương lái thu mua với giá 15.000 đồng/kg. Ảnh: NLĐ

    Thị trường bị lũng đoạn vì thương lái Trung Quốc

    Có thể nói trong những năm gần đây, người Trung Quốc sang nước ta mua khá nhiều mặt hàng với mục đích và động cơ không rõ ràng. Từ 10 năm trước, thứ mà thương lái Trung Quốc thường mua là móng trâu, móng bò, vài năm gần đây là đỉa, lá điều khô, lá vải khô, dừa khô, rễ tiêu, rễ sim, rễ hồi, mấy tháng qua họ chuyển sang mua nhiều nhất là lá khoai mì, lá khoai lang với số lượng lớn và được thu mua với giá rất cao, sau khi nông dân ồ ạt trồng, ồ ạt bán thì thương lái lại không mua nữa.

    Cho đến thời điểm này các mặt hàng mà thương lái Trung Quốc thu mua chưa chứng minh được lợi ích về mặt ý nghĩa kinh tế, chúng ta không hiểu họ mua những sản phẩm đó để làm gì.

    Tuy nhiên với kiểu làm ăn buôn bán như thế đã gây ra những tác hại không hề nhỏ đối với nền kinh tế nông nghiệp nước ta.

    Thông tin trên báo Dân Việt, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng việc thương lái Trung Quốc sang Việt Nam thu mua các mặt hàng nông sản theo kiểu quái lạ cùng rất nhiều mánh khóe, chiêu trò là “hành động phá hoại nền kinh tế nước nhà”.

    Tôi nghĩ phản ứng của các bộ ngành trước những chiêu trò kỳ quái của thương lái Trung Quốc là rất chậm và chưa quyết liệt. Chính vì vậy thương lái Trung Quốc mới có cơ hội diễn đi diễn lại những chiêu trò cũ và người nông dân vẫn bị lừa như thường.

    Điều đó cho thấy đang có lỗ hổng lớn trong công tác quản lý điều hành tổ chức thị trường của các bộ ngành liên quan, sự kiểm soát thiếu chặt chẽ của các địa phương. Chúng ta cần phải có báo cáo chi tiết hàng năm về những hoạt động bất thường của thương lái Trung Quốc.

    Cần phải giám sát chặt chẽ việc người Trung Quốc vào lãnh thổ nước ta đi theo hình thức nào, có giấy phép, có phải thương nhân hay không, có quyền được thực hiện các giao dịch mua bán trực tiếp với người dân hay không và thông qua hình thức hợp đồng như thế nào?

    Ngọc Anh(Tổng hợp)




    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thuong-lai-viet-tiep-tay-thuong-lai-trung-quoc-lua-nong-dan-viet-a96842.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.