+Aa-
    Zalo

    Tràn lan nhạc chế có nội dung nhảm nhí: Cảnh báo vấn đề bản quyền

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Bên cạnh yếu tố giải trí, nhạc chế đang có những biến thể méo mó gây ra những hệ lụy ảnh hưởng xấu đến giới trẻ.

    Số lượng các sản phẩm nhạc chế lọt top trending trên YouTube ngày càng nhiều. Từ chỗ chỉ là “gia vị” trong các chương trình hài nay nhạc chế trở thành loại hình giải trí hái ra tiền. Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố giải trí, nhạc chế đang có những biến thể méo mó gây ra những hệ lụy ảnh hưởng xấu đến giới trẻ.

    Nhạc chế bước vào “thời hoàng kim”

    Nhạc chế đã xuất hiện từ lâu và ghi dấu bằng sự tếu táo, hóm hỉnh mang lại tiếng cười. Nhạc chế thường xuất hiện trong các tiết mục hài hay tiểu phẩm kịch với mục đích truyền tải thông điệp cuộc sống một cách tinh tế. Cách truyền tải ý nhị này giúp nhạc chế nhận được thiện cảm của công chúng.

    Theo thời gian cũng với sự yêu mến của khán giả, nhạc chế phát triển bùng nổ. Nay, nhạc chế trở thành một sản phẩm độc lập với các MV riêng. Theo thống kê của YouTube Rewind 2019, trong top 10 video được xem nhiều nhất tại Việt Nam có tới 3 video về nhạc chế bao gồm: Những chị đại học đường của Hậu Hoàng, Sau sáu rưỡi của Trung Ruồi và Để Mị nói cho mà nghe (phiên bản chế của BB Trần). Từ đầu năm 2020 đến nay, không ít sản phẩm nhạc chế “chễm chệ” trên top thịnh hành như: Chuyện cô bé lọ lem (DiDi - Long.C) từng vào top 1 thịnh hành sau hơn 5 ngày ra mắt với 12 triệu lượt xem và đến nay sau 4 tuần đã lên hơn 27 triệu lượt), Sao đỏ đại chiến (Hậu Hoàng) lọt vào top 5 thịnh hành sau 1 ngày lên sóng và đến nay thu về hơn 51 triệu lượt xem trên YouTube...

    Một số MV nhạc chế đang hot trên Youtube.

    Nhiều người thắc mắc, tại sao những sản phẩm nhạc chế lại có lượt xem cao và vị thế sánh ngang với MV của những ca sĩ chính thống? Chia sẻ với PV ĐS&PL, nhạc sĩ Dương Khắc Linh cho hay: “Theo tôi, nhạc chế mang yếu tố giải trí, hài hước, xàm xàm. Khán giả thích nhạc chế thường là những người trẻ. Một bộ phận giới trẻ lại thích những cái nhảm, xàm và có cầu thì ắt sẽ có cung. Đó là lý do khiến cho nhạc chế ngày càng “bùng nổ” trên mạng trực tuyến. Còn với những người có gu thưởng thức âm nhạc chắc chắn họ không thích những sản phẩm không có giá trị nghệ thuật mà chỉ để mua vui”.

    Biến tướng, “đầu độc” giới trẻ

    Cùng với sự phát triển bùng nổ là sự biến tướng đáng lo ngại, những sản phẩm nhạc chế với ngôn từ phản cảm, những hình ảnh mất thẩm mỹ khiến người ta lo ngại. Lo là đúng, bởi đối tượng xem các MV nhạc chế trẻ là những người trẻ, thậm chí là học sinh THCS.

    Nhiều gia đình có con, cháu đang ở độ tuổi cắp sách tới trường không lạ lẫm với việc, đứa trẻ hát các ca khúc có ca từ dung tục. Chắc chắn nhiều bậc phụ huynh đã ngã ngửa khi nghe con nói “con thần kinh lung lay”, "cái giống thấp kém", "con ranh", "con chó"... Những ngôn từ ấy đến từ đâu,... từ các sản phẩm chế trên mạng trực tuyến.

    Nhiều bản nhạc chế có ca từ như trên khiến người nghe hết hồn. Tiếng chày trên sóc Bom Bo bị chế lời thô thiển đến mức người nghe hoảng hốt: “Hết tiền tiêu người yêu anh cũng bán/ Bán năm trăm để lấy tiền tiêu tiền tiêu xong lại nhớ đến người yêu. Ở đợ ba năm về chuộc người tình...”. Ca khúc Huyền thoại mẹ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng bị chế lời phản cảm đến mức gây phẫn nộ: “Đêm chong đèn ngồi đếm bạc, tờ năm chục màu xanh, mẹ cầm súng đứng canh, con cầm dao ngồi cạnh...”.

    Chưa dừng lại ở những bản chế, sự sáng tạo còn đi xa khi chế những câu chuyện cổ tích như Cô bé lọ lem, Nàng tiên cá, Tấm Cám,... theo hướng “giang hồ mạng”. Với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, các clip chế hiện nay có sức ảnh hưởng không nhỏ, đặc biệt là với giới trẻ và trẻ em. Bởi có một thực trạng đáng báo động, không ít những bậc làm cha làm mẹ khoán con mình cho chiếc điện thoại, máy tính bảng, tivi. Và thế là, con mở YouTube và ngồi xem clip chế cả ngày.

    Trên các diễn đàn, thậm chí ngay dưới phần bình luận của các clip nhạc chế cũng có không ít ý kiến cho rằng nhiều ca khúc nhạc chế đang “đầu độc” giới trẻ, ảnh hưởng đến ngôn ngữ cũng như cách hành xử của con trẻ.

    Không thể phủ nhận nhiều MV nhạc chế thật sự có chất lượng và được giới chuyên môn đánh giá cao. Chúng được đánh giá cao bởi có ca từ phù hợp, ý nghĩa, tôn trọng bản gốc và không có yếu tố hài nhảm. Sản phẩm thế này cần được phát huy và ngược lại, thứ văn hóa độc hại kia cần được xử lý nghiêm.

    Nhức nhối vấn đề bản quyền

    Vậy có thể quản lý nhạc chế, tránh cho phát hành những bản nhạc chế có lời lẽ, hình ảnh phản cảm hay không? Thiết nghĩ, muốn quản lý nhạc chế phải làm chặt ở khâu bản quyền của ca khúc. Nhạc sĩ, nghệ sĩ giữ bản quyền phải được bảo vệ quyền lợi sở hữu. Trường hợp cho phép người khác chế lại phải nắm được lời lẽ chế ra sao, có phù hợp hay không? Nếu làm được điều đó, chắc chắn những sản phẩm chế có ca từ phản cảm, dung tục không thể thoát “lưới” và chễm chệ ở trên Youtube được.

    Nhạc chế Chuyện cô bé lọ lem từng vào top 1 thịnh hành sau hơn 5 ngày ra mắt.

    “Thánh chế” Thanh Tuyền - người sở hữu những bản nhạc chế gây sốt cộng đồng mạng- chia sẻ với PV ĐS&PL: “Không phải ai thực hiện ca khúc chế cũng xin phép tác giả hay mua tác quyền ca khúc. Các YouTuber thường thích bài nào thì chế bài ấy”. Chắc hẳn nhiều người còn nhớ ca sĩ Tuấn Hưng từng nổi đóa, “dằn mặt” Hoa Vinh vì chế lời bài hát Độc thoại mà không xin phép.

    Thời gian gần đây, YouTube cũng đã siết chặt vấn đề bản quyền. Nếu vi phạm bản quyền, YouTube không chỉ đơn thuần gỡ bỏ video, cảnh cáo, hay thiết lập giới hạn, mà người dùng cá nhân/tổ chức có thể bị gỡ bỏ cả kênh YouTube. Ngoài ra, những video chế lời không xin phép thường không thể bật chức năng kiếm tiền.

    Nói về vấn đề bản quyền, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay: “Hiện nay, việc quản lý những ca khúc nhạc chế có ca từ phản cảm, bậy bạ còn đang là một lỗ hổng. Pháp luật chưa có quy định nào về quản lý nội dung này. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 5 Điều 28 luật Sở hữu Trí tuệ có quy định rất cụ thể về các hành vi xâm hại quyền tác giả đó là sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

    Ngoài ra, người có hành vi đưa những ca khúc nhạc chế có ca từ phản cảm, bậy bạ lên các trang mạng xã hội có thể bị xử phạt về hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Theo đó, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc”.

    Thiết nghĩ, nhạc chế cũng là một loại hình giải trí. Thế nhưng, để nó trở thành một loại hình giải trí lành mạnh, văn minh đòi hỏi những người làm nhạc chế cần cố gắng và nghiêm túc trong việc làm nghề. Nếu người chế chỉ đơn thuần chạy theo lượt xem, lợi ích kinh tế thì những biến tướng là không tránh khỏi.

    Phong Linh
    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 5 (162)
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tran-lan-nhac-che-co-noi-dung-nham-nhi-canh-bao-van-de-ban-quyen-a342042.html
    Sự kiện: Giải trí 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan