+Aa-
    Zalo

    Trung Quốc: ‘Nhân tố bí ẩn’ có vai trò quan trọng trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Mặc dù không trực tiếp tham gia vào hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên, song nhiều nhà phân tích cho rằng Trung Quốc vẫn đóng vai trò quan trọng trong sự kiện.

    Mặc dù không trực tiếp tham gia vào hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên, song nhiều nhà phân tích cho rằng Trung Quốc vẫn đóng vai trò quan trọng trong sự kiện.

    Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kết thúc cuộc họp lịch sử của họ tại Singapore bằng cách ký kết một thỏa thuận, vai trò của Trung Quốc cũng được củng cố thêm. Lâu nay, Bắc Kinh vẫn được xem là đồng minh lớn nhất và thân thiết nhất của Bình Nhưỡng.

    Phát biểu với các phương tiện truyền thông sau hội nghị thượng đỉnh, ông Trump nói ông sẽ điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để thảo luận về các cuộc đàm phán: “Trung Quốc là một đất nước tuyệt vời và có một nhà lãnh đạo vĩ đại, là một người bạn của tôi. Tôi tin rằng ông ấy sẽ hài lòng khi thấy chúng tôi đạt được tiến bộ này. Tôi đã nghe thông tin từ ông ấy. Tôi sẽ sớm gọi cho ông ấy, có thể là trước khi máy bay hạ cánh”.

    Trung Quốc vẫn đóng vai trò quan trọng đối với hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều và tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo. Ảnh minh họa: Getty

    Mặc dù Bắc Kinh không chính thức tham gia vào cuộc đàm phán mang tính bước ngoặt, nhưng ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Triều Tiên vẫn còn đó, các nhà phân tích đánh giá. Ngoài ra, văn bản thỏa thuận mang tính chất “biểu tượng” mà ông Trump và ông Kim ký lần này đã làm sáng tỏ vai trò của Trung Quốc trong toàn bộ quá trình.

    "Điều này đã chỉ ra rằng các vấn đề tồn tại giữa Washington và Bình Nhưỡng vẫn còn lớn và không thể được giải quyết chỉ trong một hội nghị thượng đỉnh", ông Cheng Xiaohe, một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Renmin cho biết. “Nếu không có sự hỗ trợ từ Trung Quốc, Mỹ và Triều Tiên sẽ rất khó khăn để thúc đẩy quá trình phi hạt nhân hóa và tiến trình hòa bình. Trung Quốc - và cả những quốc gia khác trong khu vực bao gồm Nhật Bản và Nga đều có thể đóng một vai trò trong những nỗ lực tiếp theo”.

    Bên cạnh đó, giới chuyên gia cho rằng những kết quả đạt được sau cuộc đàm phán giữa ông Trump và ông Kim là hoàn toàn theo chiều hướng mong đợi của Trung Quốc. Trong đó, Mỹ - Triều đã cam kết ủng hộ giải pháp hòa bình nhằm chấm dứt tình trạng thù địch giữa hai nước trong gần 70 năm qua cũng như hạ nhiệt căng thẳng hạt nhân.

    "Trung Quốc không có bất kỳ tổn thất nào", ông Deng Yuwen, một nhà phân tích chính trị tại Bắc Kinh nhận định. "Mục tiêu của Trung Quốc là tìm cách giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Văn kiện Mỹ - Triều ký lại không có thời gian cụ thể cũng như phương pháp để giải trừ vũ khí hạt nhân tại Triều Tiên, điều này đồng nghĩa Washington sẽ cần tới sự hỗ trợ từ Bắc Kinh nếu muốn gia tăng thêm áp lực cho Bình Nhưỡng".

    Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng bày tỏ hy vọng rằng cả Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế của Triều Tiên - điều mà ông Kim Jong-un mong muốn.

    Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh. Ảnh: SCMP

    Cùng với đó, Tổng thống Mỹ nói với các phóng viên sau hội nghị rằng ông sẽ hoãn các cuộc tập trận với Hàn Quốc. Điều này đã được một số nhà phân tích coi là một chiến thắng lớn cho Trung Quốc, vì Bắc Kinh đã đề xuất kế hoạch "đóng băng kép" mà theo đó, Washington và Seoul dừng tập trận quân sự để đổi lấy việc Triều Tiên ngừng thử tên lửa và vũ khí hạt nhân.

    Giới quan sát xem việc Mỹ ngừng tập trận là một sự nhượng bộ lớn đối với Triều Tiên, đặc biệt là khi ông Kim không cam kết cụ thể về quá trình hủy diệt hạt nhân mà chỉ tái khẳng định lời hứa mơ hồ trước đây.

    Một năm sau khi quan hệ Trung Quốc – Hàn Quốc căng thẳng vì Seoul quyết định triển khai Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), đến cuối năm 2017, Bắc Kinh và Seoul đã thay đổi quan điểm để cùng hướng tới giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Trong giai đoạn này, ông Trump còn đe dọa Triều Tiên sẽ phải đối mặt với “lửa và giận dữ” sau các vụ phóng thử tên lửa mà Bình Nhưỡng tuyên bố có tầm phóng vươn tới lãnh thổ Mỹ.

    Seoul cũng thấy Bắc Kinh đóng vai trò lớn hơn trong các cuộc đàm phán. Ông Chung In-moon, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in về vấn đề đối ngoại và an ninh quốc gia nói rằng vai trò của Trung Quốc trong tiến trình hòa bình bán đảo Triều Tiên “sẽ lớn hơn trong tương lai”.

    Trước đây, một số nhà quan sát suy đoán rằng nếu ông Moon tham gia hội nghị thượng đỉnh tại Singapore và tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, vai trò của Trung Quốc tại khu vực Đông Bắc Á nói riêng và châu Á nói chung có thể suy giảm. Nguyên nhân chủ yếu là vì Triều Tiên có thể hướng đến hợp tác với Hàn Quốc, dịu căng thẳng với Mỹ và thậm chí duy trì quan hệ tốt với Nhật Bản. Như vậy, Trung Quốc có thể sẽ không còn là đồng minh quan trọng nhất của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, ông Chung nói rằng Bắc Kinh sẽ không bị “bỏ rơi”.

    "Đề xuất cho một tuyên bố kết thúc chiến tranh chỉ là một nỗ lực để tăng tốc quá trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên", ông Chung khẳng định. "Cho đến nay, các vấn đề của bán đảo đang phát triển chủ yếu theo hướng mà Trung Quốc hy vọng - và sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Singapore, vai trò của Trung Quốc chắc chắn sẽ càng lớn hơn".

    Mặc dù vậy, các nhà phân tích cảnh báo vẫn còn những thách thức lớn phía trước, đặc biệt là vì 2 bên không đạt được bất kỳ thỏa thuận cụ thể nào về việc dỡ bỏ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

    PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo SCMP)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/trung-quoc-nhan-to-bi-an-co-vai-tro-quan-trong-trong-hoi-nghi-thuong-dinh-my---trieu-a232820.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan